Tung hứng" cùng ching Kram
Có thể nói không một loại nhạc cụ nào có đời sống phong phú, sinh động và giàu sáng tạo như ching Kram (chiêng tre) ở Tây Nguyên.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alêo - nguyên Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, từ xa xưa, ching Kram đã là một sáng tạo độc đáo nhằm phục vụ đắc lực đời sống tinh thần của các tộc người thiểu số ở đây. Bởi ching Kram khác với chiêng (đồng) truyền thống là được phép tấu lên trong mọi hoạt động đời thường, chứ không nhất thiết là không gian “thiêng” như cộng đồng quy định. Chính sáng tạo ấy đã mở đường cho bao thế hệ vượt qua quan niệm khắt khe xưa để học đánh và kế thừa vốn di sản tiêu biểu này cho đến tận ngày nay. Ching Kram nguyên thủy là những thanh tre (dài ngắn, dày mỏng) không đồng đều, khi dùng dùi gõ vào sẽ phát ra những thang âm khác nhau.
Nghệ nhân Trương Ân diễn tấu ching Kram. |
Theo thời gian, cùng những biến chuyển của đời sống xã hội, ching Kram còn được tiếp tục kế thừa và sáng tạo thêm để trở thành loại nhạc cụ cơ hữu, tích hợp nhiều chức năng và giàu tiện ích hơn. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (nguyên Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk) đã sáng tạo nên dàn ching Kram cộng hưởng bằng cách kết hợp 7 (hoặc nhiều hơn) thanh tre lại với nhau theo hàng ngang; phía dưới là hàng ống thẳng đứng tương ứng để khuếch âm cho tiếng ching cao lên và vang xa hơn trong khi diễn tấu. Dàn ching Kram cộng hưởng này lập tức được công chúng yêu âm nhạc đón nhận, cổ vũ qua các cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế.
“Chinh Kram từ truyền thống đến hiện đại đã chứng tỏ được sức sống của mình trong mọi không gian diễn xướng - từ trong buôn làng bình dị ra tận sàn diễn nghệ thuật khắp nơi bằng nhiều hình thức trình diễn linh hoạt, sinh động và giàu tính biểu cảm hơn”. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân |
Chừng 10 năm sau, dàn ching Kram cộng hưởng của nghệ sĩ Vũ Lân lại được nghệ nhân Trương Ân - nhạc công Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk cải tiến thêm một lần nữa để trở thành chiếc đàn “Piano Tây Nguyên” đương đại. Theo nghệ nhân Trương Ân, không nhất thiết phải giới hạn là bao nhiêu thanh tre và ống cộng hưởng - càng nhiều thì thang âm càng giàu lên, phong phú thêm và khi chơi sẽ dễ dàng hòa điệu với tất cả các loại nhạc cụ khác, từ truyền thống đến hiện đại. Từ ý tưởng đó đã giúp nghệ nhân này hoàn thành dàn ching Kram đồ sộ với 30 - 40 thanh tre (ching) và số ống cộng hưởng tương ứng. Nghệ sĩ Ưu tú Y Cel Niê - thành viên Nhóm nhạc cụ dân tộc Đắk Lắk cho hay: Dàn ching Kram của Trương Ân được giới âm nhạc ví là chiếc đàn “Piano Tây Nguyên” đã chinh phục bạn bè quốc tế ở châu Âu như Pháp, Thụy Điển, Italia, Đan Mạch, Phần Lan và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á từ năm 2002 đến nay nhờ hiệu quả khuếch đại âm thanh, âm vực cao độ của nó.
Đội chiêng buôn Kô Sier (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) diễn tấu ching Kram truyền thống. |
Mới đây, vào đầu năm 2019, nghệ nhân Nguyễn Đức (nguyên giảng viên Khoa Âm nhạc - Trường Cao đẳng Văn hóa Đắk Lắk) lại tiếp tục “tung hứng” với ching Kram của người Êđê. Dưới góc nhìn của anh, thông thường khi diễn tấu nhạc cụ này thì mỗi người mỗi ching (thanh tre), kẹp thêm dưới đùi một ống cộng hưởng. Họ cứ ngồi yên một chỗ để đánh mà không hề thay đổi được vị trí, vì thế mọi động tác trở nên cứng nhắc, bó hẹp trong không gian biểu diễn, khiến người thưởng thức dễ có cảm giác đơn điệu và nhàm chán. Do đó, anh đã khắc phục hạn chế này bằng cách gộp cả hai (ching và ống cộng hưởng) lại thành một để diễn tấu dưới hình thức mới - đó là thanh chiêng và ống cộng hưởng được kết nối song song với nhau trên bộ khung bằng tre (chứ không phải theo chiều thẳng đứng trước) để vừa có chức năng nâng đỡ dàn ching, vừa là tay cầm nâng lên hay đặt xuống tùy thích trong quá trình diễn tấu.
Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alêo đánh giá: Với những sáng tạo và cải biến trên, các nghệ nhân đã tạo ra một đời sống phong phú cho ching Kram, giúp mọi người hiểu thêm về Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được kế thừa, phát triển trong đời sống hôm nay.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc