Multimedia Đọc Báo in

Giữ nhịp chiêng buôn làng

08:30, 20/12/2020

Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện TP. Buôn Ma Thuột có 273 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, 42 nghệ nhân biết truyền dạy đánh chiêng, 23 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 131 nghệ nhân biết chơi nhạc cụ truyền thống; có 120 bộ chiêng của dân tộc Êđê và dân tộc Mường.

Từ những nỗ lực của các nghệ nhân, sự quan tâm của các cấp chính quyền, văn hóa cồng chiêng đang được kế tục và phát huy giá trị trong đời sống của đồng bào dân tộc Êđê tại TP. Buôn Ma Thuột.

Đội chiêng trẻ ở buôn Ea Bông (xã Cư Êbur) được tập hợp sau lớp truyền dạy đánh chiêng do ngành văn hóa thành phố tổ chức tại buôn năm 2018 với 7 thành viên trong độ tuổi thiếu niên. Từ ngày có đội chiêng, đời sống văn hóa của buôn làng đã trở nên phong phú, sinh động hơn. Để duy trì nét văn hóa đặc sắc này, mùa hè năm 2020, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố tiếp tục mở lớp tại buôn, động viên nghệ nhân của buôn trực tiếp truyền dạy và lựa chọn thêm hai em có năng khiếu và niềm say mê với âm vang của chiêng tre, chiêng đồng cùng tham gia sinh hoạt. Sau khi tập luyện nhuần nhuyễn, hòa tấu thuần thục với bộ Ching Kram (chiêng tre), các em không chỉ phục vụ các hoạt động cộng đồng tại buôn mà còn được UBND xã Cư Êbur, Thành Đoàn Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Thế giới cà phê… mời tham gia biểu diễn.

 Thiếu niên buôn  Kmrơng Prông A  (xã Ea Tu) học diễn tấu chiêng tre.
Thiếu niên buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu) học diễn tấu chiêng tre.

Bà H’Chuyên Ênuôl, Trưởng buôn Ea Bông chia sẻ, đội chiêng trẻ được xem là những hạt giống quý nối tiếp truyền thống của các thế hệ trước. Càng được tập luyện, biểu diễn nhiều, các em lại càng thêm tự tin, ham thích. Thêm vào đó, người dân trong buôn cũng ngày càng quan tâm hơn đến các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Tiếng chiêng cũng dần quay trở lại đời sống trong các tiệc mừng nhà mới, đám cưới ở buôn làng.

Từ năm 2008 đến nay, cứ định kỳ hai năm, TP. Buôn Ma Thuột đều tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Từ môi trường này đã ngày càng tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Bên cạnh đó, với sự quan tâm đúng mức của các xã, phường, văn hóa cồng chiêng trên địa bàn thành phố cũng bắt đầu “hồi sinh”. Bên cạnh những đội chiêng có bề dày thành tích, tham gia nhiều cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa cồng chiêng trong nước và quốc tế như buôn Kô Tam (xã Ea Tu), buôn Kô Sier (phường Tân Lập)... nhiều buôn trên địa bàn thành phố cũng đã tạo lập đội chiêng để phục vụ các nghi lễ cho cộng đồng như buôn Buôr (xã Hòa Xuân), buôn Kbur, buôn Ea Tour (xã Hòa Phú), buôn Kmrơng Prông, buôn Ea Nao (xã Ea Tu), buôn Jù (xã Hòa Thuận) hay buôn Ea Bông, buôn Kdun (xã Cư Êbur).

Đội chiêng buôn Ky (phường Thành Nhất) biểu diễn trong lễ cúng bến nước của buôn.
Đội chiêng buôn Ky (phường Thành Nhất) biểu diễn trong lễ cúng bến nước của buôn.

Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột cho biết, được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng với sự hưởng ứng tích cực từ các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã hỗ trợ hơn 250 triệu đồng để tổ chức 11 lớp truyền dạy đánh chiêng, gồm 2 lớp dành cho nghệ nhân và 9 lớp cho thanh thiếu niên dân tộc Êđê và dân tộc Mường. Nhờ đó, số lượng thanh thiếu niên có sự hiểu biết về cồng chiêng, biết diễn tấu chiêng ở các thôn, buôn tăng qua từng năm. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục hỗ trợ, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phục dựng một số lễ hội truyền thống gắn với diễn tấu cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, thành phố sẽ thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng, văn nghệ dân gian; tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng giữa các buôn để các nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng tại cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Lê Hương - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.