Văn hóa ẩm thực của người Êđê - những món ăn gắn kết cộng đồng
Văn hóa truyền thống của người Êđê nói riêng, các dân tộc Tây Nguyên nói chung thể hiện không chỉ ở những bộ trang phục, nhạc cụ... mà còn qua mỗi món ăn dân dã.
Từ bao đời nay, để thích ứng với thiên nhiên, người Êđê đã biết tận dụng các loại rau rừng để chế biến thành những món ăn đặc trưng của họ. Ngày nay các món dân dã ấy đã trở thành đặc sản riêng mang đậm hương vị của núi rừng.
Canh bột lá yao là một món ăn truyền thống và có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng người Êđê như thế. Đây là món ăn được chế biến vào tất cả những dịp tụ họp đông người như lễ ăn mừng, lễ đầu năm, sum họp gia đình hoặc đám ma…, đồng thời cũng là món ăn được nhiều gia chủ làm để thết đãi khách quý.
Vì vậy từ nguyên liệu đến cách chế biến đều được chuẩn bị chu đáo và rất công phu. Canh bột lá yao được chế biến với nhiều nguyên liệu, gia vị kết hợp như: thịt/xương heo hoặc vếch bò (phần đầu ruột non của bò), cây môn thục, cà đắng phơi khô, đu đủ xanh, gạo, lõi chuối... và lá yao (một loại lá rừng có vị ngọt, mùi thơm, hình dáng giống lá trầu không) - đương nhiên là thành phần quan trọng không thể thiếu.
Ẩm thực truyền thống của người Êđê - nét độc đáo không thể thiếu trong du lịch cộng đồng ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột). |
Bà H’Vết Niê (buôn Alê A, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, để món canh bột lá yao được ngon miệng, đậm đà, cách thức nấu được tiến hành theo một trình tự nhất định: thịt/xương được xào trước, sau đó cho đu đủ, lõi chuối, môn thục, cà đắng vào xào chung. Sau khi cho một ít nước vào nồi canh, đợi nước sôi và mọi thứ vừa chín tới, hỗn hợp bột gạo ngâm giã nát chung với lá yao sẽ được lọc để chắt lấy nước đổ thêm vào nồi canh, sau đó nêm gia vị cho vừa miệng. Chính vì sự công phu như vậy, nên khi chế biến món canh nhiều người tập trung cùng làm, mỗi người một khâu; người giã gạo, người tước môn… Vừa làm, vừa nói chuyện, chia sẻ cuộc sống, cứ thế, người dân tìm thấy niềm vui trong đó.
Anh Huỳnh Mẫn Đinh, du khách đến từ TP. Cần Thơ
|
Trước kia, lá yao chỉ có ở trên rẫy, trong rừng… nên để nấu món canh này, các chị em phải đi hái lá từ sáng sớm hoặc từ chiều hôm trước. Khi hái thường chọn những lá vừa già tới, có màu xanh đậm, không hái lá non vì khi nấu món canh sẽ không có được màu xanh đẹp mắt. Giữa nhiều món ăn được bày ra, tô canh bột lá yao hấp dẫn người thưởng thức bởi vị đắng của cà, vị cay của ớt, vị sệt sệt của nước canh, vị béo béo của thịt nấu nhừ và cả mùi thơm dịu của lá yao. Một món ăn ngon sẽ khiến người ăn nhớ mãi về hương vị và những câu chuyện ý nghĩa đằng sau đó.
Ẩm thực của người Êđê với canh bột lá yao, cơm lam, gà nướng, canh cà đắng... ngày nay trở thành một trong những nét văn hóa đặc biệt hấp dẫn du khách trong các tour du lịch cộng đồng ở Buôn Ma Thuột. Buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) không chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi không gian sinh thái mát mẻ, nét đặc sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ mà còn là vì ẩm thực phong phú và đa dạng của người Êđê nơi đây. Chị H’Phiêu Kbuôr, một hộ kinh doanh du lịch cộng đồng trong buôn Akô Dhông cho hay, rất nhiều du khách chọn đến với nơi đây để du lịch, ngoài khám phá vẻ đẹp sinh thái, văn hóa truyền thống thì họ còn rất thích thưởng thức những món ăn truyền thống của người Êđê như: món vếch, cà đằng cá khô, lá mì xào… Những món ăn này có sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống trong vị cay, chua và đắng nên hương vị khác lạ, ăn một lần chưa quen, nhưng ăn đến lần thứ hai sẽ nhớ và muốn ăn nhiều lần hơn nữa.
Anh Huỳnh Mẫn Đinh, du khách đến từ TP. Cần Thơ chia sẻ: “Tôi thực sự khó có thể diễn tả được cảm giác ngồi trong nhà sàn, uống rượu cần, thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên. Cảm giác thú vị ấy không phải nơi nào cũng có được.”
Lê Hương - Mai Sao
Ý kiến bạn đọc