Multimedia Đọc Báo in

Bóng cây kơ nia

09:17, 24/01/2021

Có lẽ không có cây nào như cây kơ nia, bốn mùa không thay lá. Cây kơ nia còn có cái tên mộc mạc, dân dã khác: cây cầy.

Nắng lửa sáu tháng mùa khô đằng đẵng, cây vẫn một màu xanh thủy chung. Càng nắng, cây càng xanh tốt hơn. Cây thẳng tắp vươn cao giữa đại ngàn. Những cành cây như những cánh tay gân guốc giang rộng giữa trời xanh. Giông bão bao phen quật đổ bao loài cây, riêng kơ nia vẫn hiên ngang, sừng sững. Có phải vì thế mà cây được ví như người Tây Nguyên, ngay thẳng, kiên trung, bất khuất!

Cây kơ nia cũng có quả. Quả kơ nia hình bầu dục, to chừng ngón chân cái, màu xanh pha nâu, vỏ dày và rất cứng. Tháng năm, tháng sáu, quả già rụng đầy gốc. Trẻ con nhặt về, đập bỏ lớp vỏ, lấy hạt ăn chơi. Hạt kơ nia ăn giòn sần sật, bùi bùi như lạc. Chỉ là một thứ quả ăn chơi, bấy nhiêu thôi cũng khiến ai đó, trong một thoáng hoài niệm, bỗng thấy tiếc nuối, bùi ngùi nhớ về những tháng ngày thơ ấu đã qua.

Những trưa hè nóng nực, lũ trẻ tụ tập chơi dưới gốc kơ nia đầu buôn. Chiều tà, nắng vàng nhạt, người trong buôn đi rẫy về, chiếc gùi đựng mớ rau rừng đong đưa trên lưng các cô gái; chiếc xà gạc gác thảnh thơi trên vai các chàng trai. Cây kơ nia ngả bóng dài đón chào mọi người từ xa. Họ đi qua gốc cây kơ nia, như đi qua cổng làng để về chốn yên bình, nơi có những ngôi nhà dài đang nhẹ lan ngọn khói bếp.

Có những người mẹ trẻ Êđê ngày ngày địu con lên rẫy. Đến nơi, để con nằm trong chiếc võng dưới bóng kơ nia ở bìa rẫy, người mẹ cứ yên tâm làm việc mà chẳng hề băn khoăn gì cả. Đã có bóng mát của cây kơ nia chở che, có tiếng ru rì rào của lá đưa bé vào giấc ngủ yên lành. Lớn hơn một chút, nhiều khi em bé cũng được mẹ cho theo lên rẫy. Em một mình quanh quẩn chơi dưới gốc cây. Cái không khí tĩnh lặng của núi rừng chẳng làm bé buồn. Đã có tiếng chim lảnh lót trên cành kơ nia làm bạn, đã có những đóa hoa dại, những bông cỏ dại ven lối mòn chơi với bé. Bông dã quỳ vàng, bông xuyến chi trắng, bông cỏ hồng phất phơ. Bé mải mê kết những đóa hoa thành vòng đeo tay, đeo cổ. Bao đứa trẻ đã lớn lên hồn nhiên như thế.

Cây kơ nia  tỏa bóng  mát nơi  buôn làng.
Cây kơ nia tỏa bóng mát nơi buôn làng.

Cây kơ nia ven đồi cũng là chỗ nghỉ ngơi của các chàng trai, cô gái mùa phát rẫy làm nương. Buổi trưa, bữa cơm đạm bạc được dọn ra dưới bóng kơ nia râm mát. Mời nhau khúc cá nướng, san cho nhau gói muối ớt, sớt cho nhau chén canh cà đắng. Cùng nhau uống những ngụm nước mát lành đựng trong quả bầu khô. Tiếng nói cười hồn hậu, tiếng nói cười giòn tan, râm ran trưa vắng. Dưới bóng cây kơ nia, biết bao mối tình đã nảy nở, bao đôi lứa đã trao nhau chiếc vòng cầu hôn. Cây kơ nia, cây để thương để nhớ!

Ngày nào, tôi còn thấy cây kơ nia có mặt ở khắp nơi: chân núi, ven đồi, đầu buôn, bờ suối… Nhưng người ta đã ngả cây, đốn gỗ, phá rừng làm nương rẫy. Những cây kơ nia cũng chịu chung số phận của những cánh rừng. Rồi cuộc sống ngày một khấm khá, những ngôi nhà xây kiên cố, mái tôn xanh tôn đỏ mọc lên làm thay đổi bộ mặt buôn làng. Có một dạo, người ta còn muốn chặt hạ cả mấy cây kơ nia đầu buôn để lấy đất xây nhà, dựng quán. Nhưng già làng đã không cho phép ai được làm điều đó. Bởi kơ nia là người thân của buôn làng, là hồn cốt của buôn làng, phải giữ lấy.

Kơ nia thân thương vẫn đó, giang rộng tay nơi bến nước, xòa bóng mát bên đường buôn cho trẻ thơ sớm chiều đùa chơi bên cây ríu rít.

Hoàng Minh Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.