Multimedia Đọc Báo in

Giữ mạch nguồn đại ngàn giữa lòng đô thị

09:23, 22/01/2021

Dù các buôn làng ở Buôn Ma Thuột đã hòa vào dòng chảy của nhịp sống hiện đại nhưng những bến nước gắn với nhiều nét đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Êđê vẫn còn được lưu giữ như những lời nhắc nhở về lối sống hòa hợp giữa con người với tự nhiên.

Bến nước buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu) là một trong số ít bến nước vẫn giữ được vẻ hoang sơ nguyên bản qua thời gian. Người dân trong buôn muốn xuống bến nước phải đi xuyên qua con dốc dưới tán rừng rợp bóng cây cổ thụ. Từ xa xưa khi đường đi lấy nước chỉ là con đường mòn trơn trượt, những người phụ nữ vẫn đều đặn xuống bến nước vào mỗi sáng, mỗi chiều để gùi những bầu nước mát về cho cả gia đình. Sau này, khi mỗi nhà đều đã có giếng đào, giếng khoan để phục vụ sinh hoạt thì nhiều người vẫn quen sử dụng nước từ bến nước để uống trực tiếp hay làm rượu cần.

Người dân buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu) dọn bến nước. Ảnh:Đ.Nga
Người dân buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu) dọn bến nước. Ảnh: Đ.Nga
Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 20-9-2016 của Thành ủy Buôn Ma Thuột về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 – 2020, TP. Buôn Ma Thuột đã cấp kinh phí 200 triệu đồng để cải tạo, sửa chữa bến nước buôn Ea Bông; bến nước buôn Ko Siêr đang được tu bổ và sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

Trưởng buôn Kmrơng Prông B Y Wih Êban cho biết, tất cả người dân trong buôn đều có ý thức giữ gìn cảnh quan bến nước. Hằng năm, buôn đều tổ chức 3 - 4 đợt phát cỏ, dọn vệ sinh, thay ống tre dẫn nước cho bến. Còn vạt rừng nguyên sinh đầu nguồn bến nước cũng được bà con bảo vệ rất nghiêm ngặt, được xem là rừng thiêng, bao đời nay không ai được xâm phạm dẫu chỉ một cành cây. Nhờ đó mà với diện tích chỉ hơn 1 ha nhưng hệ thực vật trong mảnh rừng đầu nguồn vẫn còn rất đa dạng với nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi, duy trì mạch nguồn cho bến nước không bị khô cạn dù trong mùa nắng hạn nhất.

Ở buôn Ea Bông (xã Cư Êbur), bến nước cũng là nguồn cấp nước sinh hoạt chung của cộng đồng. Trưởng buôn H’Chuyên Ênuôl kể, xưa kia, bến nước của buôn gồm bến đực và bến cái, nam giới sử dụng bến đực, nữ giới lấy nước ở bến cái. Sau này, khi nguồn nước ngầm suy giảm, bà con sử dụng chung cả hai bến để lấy nước ăn uống, tắm giặt. Bà con trong buôn ai cũng thích uống nước lấy từ bến nước bởi vị trong lành, ngọt mát khác hẳn so với nước giếng hay nước đóng bình.

Lễ cúng  bến nước ở buôn Ky, phường Thành Nhất. Ảnh: Đ.Nga
Lễ cúng bến nước ở buôn Ky, phường Thành Nhất. Ảnh: Đ.Nga

Không những đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc tại chỗ ở Buôn Ma Thuột, bến nước còn là một trong những dấu ấn đặc sắc về văn hóa, tín ngưỡng. Xưa kia, mỗi bến nước đều có chủ và được tổ chức cúng bến nước hằng năm để cảm tạ các thần linh, cầu mong sức khỏe cho người dân, mong mưa thuận gió hòa, nguồn nước dồi dào… Trải qua nhiều biến đổi, tập tục cúng bến nước có thời gian đã phai nhạt. Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cấp chính quyền, đặc biệt là ngành văn hóa, các nghi lễ, nghi thức tín ngưỡng dân gian gắn với bến nước rừng cây ở các buôn làng trong lòng đô thị đang dần được phục hồi.

Bến nước, rừng thiêng có thể xem là một nét đặc sắc về văn hóa trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột, đây cũng được xem là một điểm nhấn về du lịch, là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này.

Lê Hương - Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.