Các nữ văn sĩ Đắk Lắk: Mùa hoa đang nở rộ
Vài năm trở lại đây, đội ngũ các nhà văn, nhà thơ nữ thực sự trở thành những gương mặt quen thuộc với công chúng, có sức sáng tạo mới mẻ và mang đến nhiều tác phẩm giá trị cho nền văn học Đắk Lắk.
Có thể kể đến những nhà thơ, nhà văn nữ mà tên tuổi của họ đã trở nên quen thuộc với người yêu văn chương Đắk Lắk như: Các nhà thơ Sơn Thúy, Bùi Thị Ngọc Bích, Lệ Hải, Tôn Nữ Ngọc Hoa, Lê Thị Minh Nghiệm, Bích Xoan, Đàm Lan, Nguyệt Ánh, Trần Thị Uyên…; các nhà văn Kim Nhất, H’Linh Niê, Niê Thanh Mai, Bích Thiêm, Nguyễn Anh Đào, Nguyên Hương, Nguyễn Thị Thu Hương, Ánh Nguyệt, H’Xíu Hmok… Mỗi người một vẻ, một phong cách viết, một trải nghiệm đời sống để tạo ra nhiều trang viết phong phú, đa dạng, nhờ đó đã làm nên nhiều sắc hương hấp dẫn, say đắm lòng người.
Về thơ, dẫu chưa có nhiều cách tân nghệ thuật mang tính bứt phá, song khá nhiều tác phẩm mà các nhà thơ nữ xuất bản gần đây đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc gần xa. Một số tập thơ tiêu biểu ra đời trong vài năm trở lại đây đã được Hội đồng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Chư Yang Sin lần thứ III trao giải 5 năm (2015 - 2020) như “Ngàn con mắt gió” của Đinh thị Phúc, “Cung trầm” của Bích Xoan, “Rét mật Tây Nguyên” của Trần Thị Uyên. Ngoài ra, ở các giải thưởng hằng năm của Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk, nhiều nữ tác giả thơ như Đinh Thị Phúc, Bích Xoan, Nguyệt Ánh… cũng từng được trao giải hoặc được các thành viên Hội đồng nghệ thuật ngợi khen.
Một số tác phẩm văn học của các nữ văn sĩ Đắk Lắk. |
Bên cạnh sự thành công và đóng góp của các nhà thơ nữ Đắk Lắk, công bằng mà nói, nữ tác giả văn xuôi tỉnh nhà có phần nổi trội và được bạn đọc cả nước đánh giá cao hơn. Một số cây bút thành danh và đoạt giải cao ở các cuộc thi mang tính quốc gia như H’Linh Niê, Nguyên Hương, Niê Thanh Mai… nhờ có những bứt phá và sáng tạo về đề tài, bút pháp. Ngoài truyện ngắn, nhà văn H’Linh Niê (bút danh viết văn của nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm) còn viết ký rất chuyên nghiệp. Ký chị viết chắc tay, bám sát đời sống hiện thực và giàu chất thơ. Nguyên Hương viết truyện đa dạng về đề tài, bút pháp sắc cạnh và văn phong trong sáng, giàu biểu cảm nên dễ đi vào lòng người đọc. Nhà văn Niê Thanh Mai từng đoạt giải cao của tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn sáng tác đều. Nguyễn Anh Đào với 7 tập truyện ngắn đều được các nhà xuất bản tài trợ in ấn cũng như trả nhuận bút, từng nhận nhiều giải thưởng và được các tờ báo, tạp chí uy tín giới thiệu. Giải thưởng Chư Yang Sin lần thứ III (2015 – 2020) vừa qua cũng đã trao giải cho nhà văn Nguyễn Anh Đào với tập “Giếng hoang”, nhà văn Bích Thiêm với tập tản văn “Chớp bể mưa nguồn”… Ngoài ra, có thể kể đến các nhà văn nữ khác đã đoạt giải truyện ngắn, bút ký như Bích Thiêm, Ánh Nguyệt do Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức hằng năm.
Không thể kể hết, nhưng có thể khẳng định rằng, từ Đại hội Văn học - Nghệ thuật lần thứ VI (2015 - 2020) trở lại đây, văn học Đắk Lắk đã có những chuyển động hết sức mạnh mẽ, phong phú trên cả bình diện thể loại, số lượng tác phẩm và kết tinh ở các tác giả tiêu biểu. Từ thành quả của mùa hoa văn chương rực rỡ ấy, các tác giả nữ thực sự đã có những đóng góp hết sức to lớn, thiết thực bằng chính những tác phẩm giàu sức sáng tạo của mình. Quả vậy, văn chương nữ Đắk Lắk đang vào mùa nở rộ - mùa hoa chữ nghĩa lung linh cùng với hương sắc ngàn loài hoa xuân tô thắm đại ngàn.
Văn Lê
Ý kiến bạn đọc