Cần có chế độ hỗ trợ kịp thời cho nghệ nhân
Theo Phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT-DL), qua 2 đợt xét chọn công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và Nghệ nhân Nhân dân vào năm 2019 và 2020, Đắk Lắk có 48 người được công nhận, trong đó có 24 người đã được Chủ tịch nước trao tặng Bằng công nhận, số còn lại tiếp tục được trao vào cuối năm nay.
Đây không những là sự ghi nhận, tôn vinh công lao đóng góp của nghệ nhân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các cộng đồng dân tộc, mà còn thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước về mặt tinh thần cũng như vật chất đối với họ.
Sự quan tâm, hỗ trợ ấy đã được thể hiện rõ tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP, ngày 28-10-2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có quy định rõ một số điều đáng lưu ý: Mức trợ cấp hằng tháng từ 700.000 – 1.000.000 đồng/người; được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế và được hưởng chi phí mai táng khi qua đời. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế từ những nghệ nhân được công nhận danh hiệu trên thì được biết, đến nay hầu hết họ chưa nhận được sự hỗ trợ này.
Đội chiêng buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) có hai thành viên là Y Míp Ayun và Y Dun Niê (người thứ 3 và 6 từ trái sang) được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. |
Ví như nghệ nhân hát kể sử thi M’nông Điểu Klung (buôn Tul B, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn), nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc và trình diễn văn hóa cồng chiêng Y Wang Hwing (buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), H’Săn Êban (buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), nghệ nhân dệt thổ cẩm H’Lil Niê (buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ)… đều có hoàn cảnh khó khăn do tuổi cao, sức yếu và bệnh tật quanh năm, phải sống phụ thuộc vào con cháu, nhưng họ không được thụ hưởng sự hỗ trợ trên. Có thể nói, đây là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi chế độ đãi ngộ của Nhà nước dành cho nghệ nhân là hết sức cần thiết, giúp họ có cuộc sống khá hơn để tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Nếu không, một khi họ về với “thế giới ông bà” sẽ để lại khoảng trống văn hóa, lịch sử đáng lo ngại cho thế hệ tương lai. Mặc dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng những người làm công tác văn hóa tại các địa phương cho rằng, đã có hàng chục, thậm chí hơn thế số nghệ nhân nổi tiếng trong các lĩnh vực (diễn tấu cồng chiêng; chế tác nhạc cụ; trình diễn dân ca, dân vũ; dệt thổ cẩm; tạc tượng nhà mồ; thực hành các nghi lễ truyền thống) đã ra đi và vĩnh viễn mang theo vốn văn hóa, lịch sử quý báu của tổ tiên, ông bà để lại.
Ở tuổi ngoài 70, nghệ nhân Y Wang Hwing (buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) vẫn say mê chế tác và trình diễn nhạc cụ dân tộc Êđê. Ảnh: Hữu Hùng |
Những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên như Y Kô Niê, Linh Nga Niê Kđăm minh chứng về điều này trên góc độ trình diễn âm nhạc cồng chiêng - rằng cứ qua mỗi cuộc liên hoan hay hội diễn văn hóa - văn nghệ các dân tộc (cấp huyện, cấp tỉnh hay quốc gia) được các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tổ chức đã lần lượt bộc lộ sự mất mát hết sức thấm thía: Ví như năm 2007 và 2009, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, nhóm nghệ nhân xã Ea Kpam, Ea Tul (huyện Cư M’gar), Akô Dhông, Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột)… diễn tấu được 6 - 7 bài chiêng cổ, thì đến các kỳ liên hoan năm sau và gần nhất là mới đây vào cuối năm 2020 chỉ còn diễn tấu được 2 - 3 bài mà thôi.
Việc mai một những giá trị của văn hóa cồng chiêng, hoặc “chảy máu” một giá trị văn hóa nào đó có liên quan mật thiết đến đội ngũ những nghệ nhân. Vì thế, mọi động thái của Nhà nước, cộng đồng và xã hội quan tâm đến họ là điều hết sức có ý nghĩa trong hiện tại và tương lai đối với lĩnh vực văn hóa.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc