Khi tiếng hát vút bay...
Cuộc gặp gỡ với các nữ quân nhân Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho tôi thật nhiều cảm xúc.
Đôi mắt lấp lánh sáng, nụ cười tươi rói, cả hai nữ quân nhân xinh đẹp của Đội Tuyên truyền văn hóa thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh - Thượng úy Nguyễn Thanh Nga và Thượng úy Lý Thị Hạnh - vui vẻ kể về những chuyến đi đến với vùng biên, mang lời ca tiếng hát dành tặng cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và bà con ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Hai cô thượng úy rất trẻ, năng động và tràn đầy năng lượng. Tôi thích cách kể chuyện của các cô, vừa đủ điềm tĩnh để đưa người nghe đến những vùng đất xa xôi ở biên giới, nơi chỉ có suối cạn và cánh rừng khộp khô giòn, con đường nào cũng bụi đỏ mù trời. Mười mấy năm công tác ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, bên cạnh công việc chuyên môn chính là công tác tuyên huấn và văn thư thì các cô còn tham gia trong Đội Tuyên truyền văn hóa, tập hát, tập kịch, tham gia các chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng…
Các thành viên Đội Tuyên truyền văn hóa của Bộ đội Biên phòng tỉnh trong một chuyến biểu diễn tại đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Các thành viên Đội Tuyên truyền văn hóa đều là thành viên kiêm nhiệm nhưng mọi người hăng say, đầy lửa nhiệt tình. Những chuyến đi công tác, biểu diễn phục vụ đồng đội, người dân vùng sâu, vùng biên giới dù ngắn ngày hay dài ngày đều được tập luyện, hòa âm, phối khí kỹ lưỡng. Thanh Nga, cô Thượng úy có nụ cười tươi tâm sự: “Với cán bộ, chiến sĩ, rồi với bà con mình, họ càng thiếu thốn văn hóa văn nghệ thì khi đến với họ, chúng em càng phải biểu diễn hết mình. Không chỉ đơn thuần là thực hiện nhiệm vụ mà còn là niềm đam mê với ca hát”.
Quả thật, phải có niềm đam mê thì các bạn ấy mới có thể làm tốt được nhiệm vụ của mình. Chồng hai nữ quân nhân đều công tác trong quân đội. Riêng Thượng úy Lý Thị Hạnh có chồng cũng đang công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Việc chăm sóc bố mẹ đôi bên, nuôi dạy con cái, rồi lo lắng mọi việc trong ngoài… quả thật không phải dễ dàng. Khi được hỏi thì Hạnh chỉ cười: “Em có gia đình làm hậu phương mới thực hiện tốt công việc chị ạ. Hơn nữa, chúng em nhận được sự ủng hộ của các thủ trưởng lắm”.
Các bạn say sưa kể cho tôi nghe về những chuyến đi vùng biên. Ngày mới bước chân vào đội văn nghệ, chặng đường bụi đỏ mù trời, gập ghềnh, đèo dốc vào các đồn, trạm biên phòng làm họ say chao đảo. Đường vần, xe vần họ đến lử lả. Ấy vậy mà vừa bước xuống xe, thấy các chiến sĩ đứng đón từ phía xa với ánh mắt ngóng trông, hồn hậu, đầy yêu thương, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn cho chương trình biểu diễn văn nghệ thì mọi người quên hết mệt nhọc. Sân khấu là nền đất, phông màn xanh sơ sài, âm thanh chập choạng, ánh sáng tù mù. Nhưng bà con đến xem rất đông, bọn trẻ con thì háo hức xếp chỗ từ lúc trời chưa kịp tối. Nhất là thấy được cái háo hức, mong chờ từ khán giả là cán bộ, chiến sĩ của các đồn biên phòng - những đồng đội thân yêu thì như càng được tiếp thêm đam mê, sức mạnh. Có khi hát đến khản cả giọng mà vẫn muốn hát nữa.
Nơi biên giới, mỗi khi đón Đội Tuyên truyền văn hóa của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là thế nào cũng rộn ràng từ mấy ngày trước đó. Ở đồn, các anh em chiến sĩ thay phiên nhau gác, rồi tập luyện văn nghệ, cũng bắt nhịp, tập tành rất chăm chỉ. Có chiến sĩ binh nhất mới toanh, tập hăng say lắm, đến khi được giới thiệu tên thì nhất định không chịu ra sân khấu. Lý do vì “Các cô văn công vừa xinh vừa hát hay thế kia, em sợ bị “bể dĩa”". Phải động viên, thuyết phục mãi, cậu lính binh nhất mới đồng ý hát. Khi chia tay đoàn tuyên truyền, rụt rè mãi, anh chàng chỉ mong muốn được bắt tay cô gái văn công xinh xinh một cái. Những kỷ niệm rưng rưng, trong ngần được hình thành từ những tình tiết rất đời thường, đáng yêu như thế.
Những câu chuyện của Nga và Hạnh cho tôi quay về những ngày tháng tuổi trẻ đầy mê say, nhiệt huyết. Đấy là khi tôi đi cùng đoàn công tác của cơ quan vào Đồn Biên phòng 737, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp. Chương trình văn nghệ và giao lưu giữa chiến sĩ đồn biên phòng, các đơn vị kết nghĩa và Đội Tuyên truyền văn hóa của Bộ Chỉ huy diễn ra tưng bừng lắm, đang đến tiết mục thứ tư thì “phụp”, đèn sân khấu, đèn điện tắt ngúm, xung quanh đen kịt. Trong khi các chiến sĩ loay hoay giật máy nổ thì ca sĩ hát “chay”. Khán giả cùng đồng thanh hát theo. Tiếng hát vang lên. Tưởng như vọng đến tận rừng khộp ngoài kia bờ rào, không thể nào hay hơn được nữa.
Hạnh kể, những chuyến đi công tác, đi biểu diễn ở các đồn vùng biên có khi kéo dài cả tuần. Phục trang, trang điểm… tất tần tật các bạn tự làm, tự chuẩn bị. Quần áo biểu diễn cũng tự các bạn thiết kế, sao cho mang đi thật gọn nhẹ mà vẫn tinh tươm, dưới ánh đèn sân khấu dã chiến vẫn lấp lánh lắm. Mà đến các đơn vị, xắn tay áo ra hái rau, lội suối đi bắt cá để cải thiện bữa ăn trước giờ biểu diễn. Thế mới biết, ca sĩ của đội tuyên truyền cũng đa năng, đâu chỉ biết hát mà còn đảm đang nữa.
Rồi có những khi đêm diễn mới đến tiết mục thứ ba thì trời đổ mưa tầm tã. Diễn viên, ca sĩ đứng giữa sân khấu vẫn hát, vẫn múa say sưa. Cũng chỉ bởi vì khán giả phía dưới vẫn ngồi yên, vẫn vỗ tay cổ vũ nhiệt tình quá. Lúc ấy, chỉ có bộ phận âm thanh, ánh sáng là chạy để tìm ni lông phủ lên thùng âm ly, loa máy cho khỏi ướt mà thôi.
Trong câu chuyện của chúng tôi, hình ảnh của bố mẹ, người bạn đời, những đứa con trong gia đình nhỏ của các bạn hiện lên rất nhiều. Yêu lắm, thương lắm, đầy những sẻ chia. Quả thật, nếu không có gia đình là hậu phương vững chắc thì hẳn là các bạn sẽ vô cùng vất vả. Rồi những chuyến công tác đột xuất, dù vài ngày hay lâu hơn thì đều nhờ ông bà nội, ngoại đôi bên đến tăng cường hỗ trợ. Đặc biệt là đồng đội của các bạn, họ đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho Nga và Hạnh để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất. Quý hơn nữa là họ đã dành cho các bạn những cơ hội được về với biên giới xa xôi, mang lời ca tiếng hát, gửi yêu thương đến chiến sĩ, đồng bào.
Và tôi tin tiếng hát đắm say, da diết yêu thương của các cô còn vang vọng mãi nơi trái tim người, trên những nẻo đường biên giới quê hương…
Bảo Thiên Ngân
Ý kiến bạn đọc