Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa đô thị: Định vị từ những biểu tượng

09:27, 07/03/2021

Ấn tượng đầu tiên khi người ta nói đến các khu đô thị, chính là những biểu trưng thể hiện từ tên gọi gắn liền những ý nghĩa văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, trong dòng chảy phát triển các khu đô thị mới hôm nay, không phải dự án đầu tư nào cũng có sự lựa chọn thận trọng và hợp lý về biểu trưng, đại diện cho cả quần thể dân cư bản địa. Thậm chí với một số chủ đầu tư dự án bất động sản, việc đầu tư làm biểu tượng ở các dự án khu đô thị mới là xa xỉ, không cần thiết. Điều này lý giải tại sao ở một số khu đô thị hiện đại, chủ đầu tư chỉ chú ý việc phân lô bán nền, đầu tư các block nhà ở.

Hình ảnh của những cái tên

Trong một lần tình cờ ghé khu đô thị Sala (Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh), người viết bài này ngẫu hứng hỏi một số cư dân bản địa rằng tại sao có cái tên Sala. Một cách tự nhiên, chủ một căn hộ chỉ dẫn ngay, nếu thắc mắc cứ việc đi ra ngay đầu đường dẫn vào khu đô thị sẽ thấy ngay bia gắn tên dự án với hình hoa Sala, và đi vào giữa quần thể công viên dự án, sẽ thấy biểu tượng bông hoa Sala màu hồng được chủ đầu tư dựng lên. “Còn ý nghĩa hoa Sala là gì và người ta muốn thể hiện ý nghĩa văn hóa ở khu đô thị này thế nào, chỉ cần tra cứu thông tin trên mạng là thấy”, cư dân này lý luận như vậy.

Thiết kế mô hình biểu tượng
Thiết kế mô hình biểu tượng "Ngọn lửa cao nguyên" tại dự án khu đô thị Ân Phú.

Rõ ràng việc chủ đầu tư dự án đô thị tại đây bỏ công thiết kế một biểu tượng văn hóa thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến giá trị văn hóa mà quần thể cư dân đô thị sẽ hướng đến. Điều này làm rõ hơn ý nghĩa tên gọi khu đô thị, và người dân nơi đây có thể hiểu phía sau hình ảnh biểu trưng cho nơi ở của mình là những vẻ đẹp văn hóa cần thiết, bền vững về tương lai.

Tại khu đô thị Vinpearl TP. Hồ Chí Minh cũng vậy. Nói đến tòa tháp Landmark 72 cao ngất ở đây, đa số người dân TP. Hồ Chí Minh cơ bản hiểu được ý nghĩa về khát vọng vươn lên mà dự án đầu tư thể hiện. Nhưng kèm đó, ngay lối vào khu đô thị, chủ đầu tư vẫn bỏ công thiết kế thêm một số biểu tượng văn hóa về sự tích “Cá chép hóa rồng”, làm rõ hơn chủ đề văn hóa mà quần thể dân cư đô thị được định hướng xây dựng. Với những biểu tượng này, rõ ràng giá trị của khu đô thị tự nhiên được nâng cao hơn rất nhiều.

Có thể thấy, với những khu đô thị quy mô tầm cỡ mà các chủ đầu tư triển khai, những biểu tượng văn hóa luôn được xây dựng, hình ảnh hóa những cái tên mà quần thể cư dân quy tụ về các khu đô thị đó sẽ kiến tạo ra. Đây chính là những yêu cầu quan trọng để định hình nên những khu đô thị vừa có giá trị về không gian sống hiện đại, tiện nghi, vừa hàm chứa những giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc, qua đó tôn vinh hơn nữa những giá trị đầu tư phát triển bền lâu.

Cần những hỗ trợ từ nhà quản lý

Mới đây, các cơ quan chức năng tại TP. Buôn Ma Thuột đã cùng thống nhất việc đặt biểu tượng văn hóa tại khu đô thị Ân Phú (đường Hà Huy Tập, phường Tân An), một sáng kiến từ chủ đầu tư dự án khu đô thị mới phục vụ phát triển địa phương. Lãnh đạo Phòng Quy hoạch, Sở Xây dựng Đắk Lắk nhìn nhận, địa phương gần đây mới phát triển một số khu đô thị, khu dân cư mới, và trong đó các dự án có ý tưởng thiết lập biểu tượng văn hóa lại càng hiếm hoi. Do đó, các cơ quan quản lý hết sức ủng hộ và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các chủ đầu tư thể hiện được những giá trị biểu tượng văn hóa ý nghĩa.

Khu đô thị Sala (TP. Hồ Chí Minh).
Khu đô thị Sala (TP. Hồ Chí Minh).

Cụ thể tại dự án Ân Phú, biểu tượng được nhà đầu tư đưa ra là hình ảnh về ngọn lửa đang bùng cháy, lồng ghép với hình ảnh đôi bàn tay quyện lấy nhau, vừa mang ý nghĩa khát vọng vươn lên vừa hàm ý tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc Tây Nguyên tại vùng đất bazan hùng vĩ. Biểu tượng này thực sự sẽ có ý nghĩa giúp tôn tạo hơn nữa giá trị cộng đồng cư dân ở khu đô thị, và làm sáng tỏ hơn tâm huyết của chủ đầu tư trong mục tiêu tham gia kiến tạo những giá trị xã hội sâu sắc trên địa bàn.

Bên cạnh hình ảnh biểu tượng này, nhìn lại những dự án đô thị Buôn Ma Thuột, có thể thấy những ý nghĩa văn hóa đang được nhiều nhà đầu tư chú trọng hơn. Việc đặt những tên gọi và biểu tượng đi kèm được các chủ đầu tư hết sức lưu tâm, như dự án Làng Cà phê Buôn Ma Thuột của Tập đoàn Trung Nguyên, hình ảnh con voi quen thuộc của văn hóa Tây Nguyên ở dự án Ecocity Buôn Ma Thuột… Tất cả đang cùng hướng đến một mục tiêu tích cực hơn cho những đô thị trẻ vùng cao nguyên sẽ là nơi quy tụ những cộng đồng dân cư văn minh, năng động và trù phú, thể hiện ước nguyện sẽ gắn bó bền vững của các nhà đầu tư với địa phương. Tất cả rất cần nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý địa phương, để biến những khát vọng, ước mơ văn hóa thành câu chuyện hiện thực đời thường.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.