Ðến Quảng Nam thăm nhà lưu niệm Tổng đốc Hoàng Diệu
Một ngày trời trong xanh nắng ấm, chúng tôi tìm về làng Xuân Đài (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) - quê hương của Tổng đốc Hoàng Diệu (1829 - 1882) để viếng mộ cụ và thăm nhà lưu niệm được xây dựng vào năm 2013...
Khu lăng mộ cụ Hoàng Diệu - “Người giữ thành Hà Nội” - nằm giữa một làng quê thanh bình. Tại khu lăng mộ, ngoài mộ phần của cụ Hoàng Diệu nằm ở vị trí trung tâm thì hai bên tả hữu còn có mộ phần hai người vợ của cụ là bà Chánh thất Nguyễn Thị Cơ và bà thứ thất Hà Thị Trị. Nhà lưu niệm Tổng đốc Hoàng Diệu nằm sát bên nhà thờ tộc Hoàng từng được làm nơi thờ tự cụ Hoàng Diệu trước đây. Nhà lưu niệm được xây dựng năm 2013 trên diện tích 800 m2 với tổng kinh phí đầu tư 7 tỷ đồng, trong đó UBND TP. Hà Nội hỗ trợ 5 tỷ đồng, số tiền còn lại do UBND huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và con cháu tộc Hoàng xa gần đóng góp để tỏ lòng thành kính đối với cụ Hoàng Diệu - một vị quan thanh liêm, chính trực, hết lòng vì nước vì dân.
Khu lăng mộ Tổng đốc Hoàng Diệu. |
Bước qua cánh cổng tam quan dẫn vào nhà lưu niệm là một lư hương lớn được làm từ đá Non Nước. Phía sau lư hương là bức tượng bán thân bằng đồng chân dung cụ Hoàng Diệu, bức tượng nặng khoảng 300 kg do UBND huyện Điện Bàn đặt đúc tại làng đúc đồng Phước Kiều nổi tiếng của huyện. Hai bên bức tượng là phiên bản hai khẩu súng thần công được làm bằng bê-tông cốt thép theo mẫu súng thần công thời vua Tự Đức để tưởng nhớ về công lao của cụ Hoàng Diệu trong trận chiến bảo vệ thành Hà Nội vào ngày 25-4-1882. Tiếp đến là nhà bia nơi đặt trang trọng tấm bia đá nặng khoảng 2 tấn khắc Văn bia Tổng đốc Hoàng Diệu với những dòng sơ lược về tiểu sử và công trạng cũng như sự can trường, cống hiến, hy sinh của cụ đối với quê hương, đất nước.
Công trình chính ở nhà lưu niệm là nhà thờ cụ Hoàng Diệu được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền của Quảng Nam, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí hình tượng “Lưỡng long tranh châu”. Chính giữa ngôi nhà là ban thờ cụ Hoàng Diệu. Hai bên tả hữu của ban thờ là hai bức tranh vẽ rất sống động. Một bức tranh với tiêu đề “Tấm lụa và con roi” thể hiện chân dung cụ Hoàng Diệu lúc làm quan và hình ảnh cụ Hoàng Diệu lúc nhỏ cùng với mẹ, trong bức ảnh cũng xuất hiện tấm lụa và chiếc roi dâu. Qua tìm hiểu thì bức tranh này thể hiện một câu chuyện về cụ Hoàng Diệu còn lưu truyền trong dòng tộc họ Hoàng: Đó là khi làm quan xa nhà, có lần cụ Hoàng Diệu gửi về một tấm vải lụa quý để mẹ là bà Phạm Thị Khuê may áo nhưng bà gửi trả lại tấm lụa kèm cùng chiếc roi dâu với hàm ý khuyên con giữ liêm khiết, phải thanh liêm; làm quan phải hết lòng lo cho dân cho nước... Bức tranh thứ hai được vẽ phỏng theo bộ tranh anh hùng dân tộc Việt Nam thể hiện cảnh cụ Hoàng Diệu tử chiến với quân Pháp để giữ thành Hà Nội.
Nhà lưu niệm Tổng đốc Hoàng Diệu. |
Sau nhà thờ là một ngôi nhà nhỏ cũng được xây dựng theo lối kiến trúc cổ. Nơi đây trưng bày những hình ảnh, tư liệu về cuộc đời, thân thế sự nghiệp của Tổng đốc Hoàng Diệu cũng như tầm ảnh hưởng và sự đóng góp của cụ trong công cuộc xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm. Cùng với đó là những hình ảnh về Hà Nội, thành Hà Nội xưa; những hình ảnh quân Pháp chiếm thành Hà Nội và cuộc chiến bảo vệ thành do cụ Hoàng Diệu chỉ huy. Nơi đây còn trưng bày các bài điếu, câu đối do những sĩ phu, nhân dân Hà Nội ca ngợi công đức của Tổng đốc Hoàng Diệu khi nghe tin cụ tuẫn tiết...
An Trường
Ý kiến bạn đọc