"Sáng tháng Năm" - khúc tráng ca về lãnh tụ Hồ Chí Minh
Một điều hiển nhiên là hầu hết các nhà thơ đều viết về Bác Hồ - Lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Nhiều bài thành công, đi vào lòng người. Bài thơ “Sáng tháng Năm” của nhà thơ Tố Hữu là một điển hình.
Bài thơ được viết ở chiến khu Việt Bắc vào tháng 5-1951 có độ dài hơn 70 câu, nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ là một khúc tráng ca về người anh hùng vĩ đại.
Mở đầu bài thơ là cảnh phóng khoáng của chiến khu Việt Bắc:Vui sao một sáng tháng năm/Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/Suối dài xanh mướt nương ngô/Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn.Ta thấy sự náo nức, hồ hởi của tác giả được lên thăm Bác.
Bác Hồ trò chuyện với nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn cùng anh em ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Internet |
Bác kêu con đến bên bàn/Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ; những câu thơ, phản ánh nơi làm việc của Bác thật giản dị, chỉ là nhà sàn đơn sơ như mọi ngôi nhà khác ở chiến khu.
Điệp từ “cho con” được tác giả nhấn mạnh lòng kính yêu và khát khao tình cảm chân thành: Cho con được ôm hôn má Bác/Cho con hôn mái đầu tóc bạc/Hôn chòm râu mát rượi hòa bình! Ý thơ hay lan tỏa khát vọng của dân tộc, chiến đấu vì độc lập, tự do cũng là vì hòa bình, hạnh phúc. “Chòm râu mát rượi hòa bình” thật đặc sắc, mang ý tưởng nhân loại.
Có một đoạn thơ dài kể về chiến công của quân dân ta, gửi niềm tin vào Bác Hồ. Trong đó, tác giả lần lượt nhắc đến các anh xung kích bôn tập diệt đồn; người nông dân bắt sỏi đá phải thành sắn gạo; cả những em học sinh đốt đuốc đi học cũng là thắng Pháp và các chị dân công mòn đêm vận tải góp phần vào kháng chiến. Cả dân tộc đánh Pháp với niềm tin tất thắng vì có Bác chỉ đường: Và mỗi trận, mỗi mùa mùa vui thắng lợi/Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi/Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ/Trên đường dài hai cánh đỡ ta đi.
Trái tim nhân hậu, tâm hồn nhân hậu nên có ánh mắt nhân hậu. Ánh mắt hiền từ, bao dung của Bác được nhà thơ khái quát trọn vẹn. So sánh ánh sáng chân lý cách mạng rực rỡ với kẻ thù là bóng đêm để khẳng định niềm tin: Người rực rỡ một mặt trời cách mạng/Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng/Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.
“Mặt trời cách mạng” và “loài dơi chập choạng” là hình ảnh so sánh cụ thể và sinh động dễ vào lòng người. Bác là vầng thái dương thì đế quốc là bóng đêm gieo rắc đau thương.
Thơ ngân rung những lời tha thiết về lãnh tụ kính yêu của toàn Đảng, toàn dân. Người là Cha, là Bác, là Anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ/Người ngồi đó với cây chỉ đỏ/Vạch đường đi từng bước, từng giờ… Nhà thơ đã nói thay cả triệu tấm lòng. Lãnh tụ thật gần gũi với dân. Là Chủ tịch nước, cũng là Cha, là Bác, là Anh của mọi con dân đất Việt bởi: Quả tim lớn lọc trong dòng máu nhỏ, đang lãnh đạo kháng chiến ở giai đoạn cầm cự (kháng chiến chống Pháp chia làm ba giai đoạn phòng ngự, cầm cự, tổng phản công). Hình ảnh cây chì đỏ trong tay Bác vạch đường đi vừa là hiện thực, vừa là tượng trưng chỉ đường kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Bài thơ phần lớn sử dụng thơ tự do, phóng túng, mạch cảm xúc cuồn cuộn trào dâng, nhưng mở đầu và kết thúc là thể thơ lục bát quen thuộc, dân dã, lắng đọng tình cảm cho người đọc dễ nhớ, dễ thuộc.
Nếu coi “Theo chân Bác” là trường ca thì “Sáng tháng Năm” là khúc tráng ca rất thành công của Tố Hữu khi viết về lãnh tụ. Là nhà thơ cách mạng, gắn bó và được gần Bác nên thơ chảy theo dòng cảm xúc chân thực, có cả phần kính trọng và yêu thương.
Năm 2001, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin in tuyển tập thơ Tố Hữu, bài “Sáng tháng Năm” có ghi chú đáng lưu ý: Bốn câu thơ này lấy nguyên văn trong bài đã đăng Báo Nhân Dân 1951.
Con bồ câu trắng ngây thơ/Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn/Lát rồi chim nhé, chim ăn/Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà.
Các bản in sau đã sửa dồn bốn câu thành hai câu: “Con bồ câu trắng ngây thơ/ Nó đi tìm thóc nhởn nhơ quanh nhà”. Mạch thơ vẫn xuôi dòng nhưng chưa thể hiện tình cảm của Bác với tác giả, vừa là học trò, vừa là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam.
Từ khi đi học, tôi được học và thuộc nhiều thơ Tố Hữu rồi tập làm thơ, coi Tố Hữu là người thầy gián tiếp của mình. Tôi may mắn hơn một lần được gặp nhà thơ và có lần được chụp ảnh cùng ông tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ VI, tháng 9-2000. Tại đại hội, sau những lời tâm sự, ông đọc hai câu thơ: Dẫu không hơi sức khơi dòng thẳng/Còn chút phù sa cũng gắng bồi.
Đó cũng là lời nhắn nhủ các thế hệ văn nghệ sĩ kế tiếp. Ông ra đi vào giữa tháng 12-2002, về với thế giới người hiền. Thời gian đó lại trùng với Đại hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam nên tôi được đi viếng nhà thơ Tố Hữu cùng các đại biểu dự đại hội. Thế cũng là có duyên.
Tháng 5-2021
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc