Multimedia Đọc Báo in

Tháp Pô Klong Garai kiệt tác kiến trúc Chăm

08:18, 30/05/2021

Khu đền tháp Pô Klong Garai nằm trên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) được xem là một trong những cụm tháp Chăm đẹp nhất cả nước, đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa.

Theo truyền thuyết, tháp được vua Jaya Simhavarman III (người Việt thường gọi là vua Chế Mân) cho xây dựng để thờ ngài Pô Klong Garai, vị vua có nhiều công trạng trong việc diệt giặc ngoại xâm, trị vì đất nước. Theo các nhà nghiên cứu, cụm tháp này có niên đại vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14. Tháp Pô Klong Garai gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của tiểu quốc Panduranga, vùng đất cực Nam của vương quốc Chăm Pa xưa (nay là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận). Đây được xem là một trong những trung tâm tôn giáo, văn hóa của vùng Panduranga.

Trải gần 800 năm, chứng kiến biết bao cuộc vật đổi sao dời, cụm tháp Pô Klong Garai vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Cụm tháp gồm ba tháp chính là tháp trung tâm, tháp cổng và tháp nhà. Tháp trung tâm là tháp thờ chính, nằm ở vị trí trung tâm ngọn đồi Trầu, cao 20 m, là nơi thờ vua Pô Klong Garai. Tháp cổng ở hướng Đông, cao 10 m, là hình ảnh thu nhỏ của tháp trung tâm. Tháp nhà nằm trước tháp trung tâm theo hướng Đông Nam, mái tháp cong cong hình chiếc thuyền, khá giống với mái nhà rông ở Tây Nguyên, là nơi các tu sĩ Bà La Môn, thầy cúng bày vật tế lễ và giữ ngọn lửa tế nên còn được gọi là tháp Lửa. Cả ba tháp đều mang kiến trúc tuyệt đẹp với các họa tiết trang trí vô cùng tinh xảo. Các phù điêu tại tháp như thần Siva, tượng vua Pô Klong Garai, tượng bò thần Nandin, phù điêu các tu sĩ, cửa giả… cũng đạt đến trình độ hoàn mỹ. Đây được xem là cụm tháp đẹp và hùng vĩ trong hệ thống tháp Chăm trên cả nước, một trong những tuyệt tác vô giá mà người Chăm xưa để lại.

 

Cụm tháp  Pô Klong Garai  nhìn từ dưới chân đồi Trầu.
Cụm tháp Pô Klong Garai nhìn từ dưới chân đồi Trầu.

 

Không chỉ là chứng nhân lịch sử cho nền văn minh Chăm Pa rực rỡ một thời, cụm đền tháp Pô Klong Garai còn là trung tâm của đời sống văn hóa, tâm linh của người Chăm tại Ninh Thuận cho đến tận ngày nay. Tại đây, hằng năm diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm thu hút đông đảo du khách thập phương và người Chăm ở các địa phương khác. Trong đó, nổi bật nhất là lễ Katê, Tết của người Chăm theo đạo Bà La Môn, diễn ra từ ngày 30-6 đến ngày 10-7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch) với nhiều nghi lễ, vũ điệu, trò chơi đặc trưng của người Chăm. Tết Katê với ý nghĩa tưởng nhớ công lao của vua Pô Klong Garai, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa gắn liền với cụm tháp từ lâu đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong đời sống văn hóa người Chăm tại Ninh Thuận, là di sản văn hóa quý giá được người Chăm giữ gìn, trao truyền qua hàng bao thế hệ.

Với những giá trị đặc biệt trên, cụm đền tháp Pô Klong Garai được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1979. Năm 2016, công trình này được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Tháp Pô Klong Garai là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu quý văn hóa Chăm khi về với thành phố Phan Rang - Tháp Chàm xinh đẹp.

Phạm Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.