Multimedia Đọc Báo in

Vọng tiếng đàn tính nơi vùng biên

06:51, 09/05/2021

Rời xa vùng quê Cao Bằng từ nhiều năm trước, những người dân tộc Tày, Nùng định cư ở huyện biên giới Buôn Đôn vẫn gìn giữ hồn quê khi luôn ý thức bảo tồn và lưu truyền tiếng đàn tính thanh tao, làn điệu then đằm thắm trên quê hương thứ hai…

Bà Lương Thị Mão (thôn 8, xã Ea Wer) – một trong những người di cư đầu tiên từ Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp vẫn còn nhớ như in cảnh vật hoang sơ cùng những khó khăn chồng chất khi mới đặt chân đến vùng đất mới. Cuộc sống với nhiều thử thách cùng nỗi nhớ quê hương đau đáu khiến không ít người nản chí, có ý định quay về quê cũ.

“Thời ấy, dẫu sau một ngày lao động mệt nhọc nhưng khi màn đêm buông xuống chúng tôi lại quây quần bên nhau trò chuyện để vơi nỗi nhớ nhà, động viên nhau cố gắng bám trụ trên mảnh đất mới. Và tất nhiên ở đấy không thể thiếu tiếng đàn tính hòa cùng những làn điệu then vang lên như tiếp thêm nguồn lực, động viên tinh thần để tất cả cùng đoàn kết, chung tay vượt qua những khó khăn của ban đầu”, bà Lương Thị Mão hồi tưởng.

Tiếng đàn tính cùng làn điệu hát then đặc sắc của dân tộc, quê hương ấy đã luôn gắn bó, đồng hành, vang vọng trong cuộc sống của cả cộng đồng như một món ăn tinh thần trong suốt những năm tháng gian khó mãi cho đến nay.

Đội văn nghệ thôn 8, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) trình diễn đánh đàn tính, hát then.
Đội văn nghệ thôn 8, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) trình diễn đánh đàn tính, hát then.

Những người cao tuổi như bà Lương Thị Mão, Bùi Thị Lộc đã dốc hết tâm huyết, công sức để gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc mình ở mảnh đất Tây Nguyên vốn đa sắc màu văn hóa, góp phần tạo nên một bức tranh sinh động, phong phú song vẫn giữ được hồn quê, cái riêng, nét đặc sắc không thể nhầm lẫn được của tiếng đàn tính, điệu hát then. Những người phụ nữ Tày, Nùng chân chất, cần mẫn, chăm lo lao động, trong gian khó buổi đầu lập nghiệp vẫn luôn giữ được nét lạc quan, yêu đời cùng nhau tập họp lại, tự bỏ kinh phí, đầu tư trang phục truyền thống, thường xuyên luyện tập, chỉ dẫn cho nhau những kỹ thuật khó, bài hát hay. Âm vang của tiếng đàn tính thanh tao và làn điệu then đằm thắm, trữ tình ngày càng được nhiều người biết đến hơn khi hiện diện trong các hội diễn văn nghệ, ngày hội các dân tộc thiểu số, liên hoan văn hóa… Tình yêu với cây đàn tính, làn điệu then của các bà, mẹ, chị đã truyền lửa cho các thế hệ con cháu. Thôn 8, xã Ea Wer duy trì được lớp dạy đánh đàn tính, hát then cho các em, các cháu ở lứa tuổi từ 12 - 15. Những ngày hè rảnh rỗi, khi nghỉ học, các mẹ các chị lại đến từng nhà, vận động các cháu tham gia học đàn vào ban đêm. Công sức họ bỏ ra được đền đáp xứng đáng khi các cháu theo học đến nay đều biết kỹ thuật gảy đàn cơ bản, hát những bài then phổ biến. Nhiều cháu như Hứa Thị Tú, Hứa Thị Thảo, Nguyễn Ngọc Trình... còn tự tin trình diễn, tham dự các liên hoan văn nghệ do huyện Buôn Đôn tổ chức và đạt giải cao.

Bà Lương Thị Mão say sưa với cây đàn tính và điệu then.
Bà Lương Thị Mão say sưa với cây đàn tính và điệu then.

Tự hào với cây đàn tính và điệu then của dân tộc mình, nhất là khi thực hành then đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đội văn nghệ thôn 8 với những thành viên tích cực như bà Lương Thị Mão, cùng các mẹ các chị, các thế hệ kế cận sau này càng thêm ý thức, gìn giữ văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Để rồi trong tất cả các ngày hội của huyện, của xã, tiếng đàn tính, làn điệu hát then lại có dịp giao duyên cùng tiếng trống, nhịp chiêng rộn ràng của dân tộc Êđê, Mường… Trong đó điệu hát then "Em hát cùng Tây Nguyên" với những ca từ thiết tha “Giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ trắng bạt ngàn cà phê thơm ngát/ Giữa điệp trùng giang sơn gấm vóc nghe tiếng đàn thánh thót lời ca, có đàn Bác mọi nhà ấm no…” mãi ngân vang giữa miền biên giới như kết nối tình thân giữa mọi miền quê.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.