Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử "Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách"

08:17, 30/05/2021

Thực hiện Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, tháng 3-2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề xuất xây dựng Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách” gắn với Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Bộ quy tắc này. Ngày 12-5-2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến của các đơn vị liên quan để định hướng cho dự thảo lần 1 của Bộ quy tắc nói trên.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay đang triển khai áp dụng hai bộ quy tắc ứng xử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là: Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch và Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình. Qua hai năm thực hiện các bộ quy tắc này, đội ngũ làm công tác du lịch trên địa bàn tỉnh bước đầu đã chuyên nghiệp hơn; người dân, du khách tại các điểm du lịch đã có ý thức hơn trong ứng xử; tình trạng bạo lực gia đình đã giảm đáng kể.

 

Du khách thích thú khi vừa thưởng thức cà phê vừa giao lưu văn nghệ với chủ quán cà phê Arul (TP. Buôn Ma Thuột).    Ảnh: Hoàng Gia
Du khách thích thú khi vừa thưởng thức cà phê vừa giao lưu văn nghệ với chủ quán cà phê Arul (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

 

Dân số toàn tỉnh hiện có khoảng 2,1 triệu người với 49 dân tộc anh em. Một trong những mục tiêu quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh mà tỉnh Đắk Lắk hướng đến là phát triển du lịch.

Việc chỉ đạo xây dựng Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách” là một chủ trương rất đúng đắn. Nếu đi vào cuộc sống, đây sẽ là “thương hiệu” của người Đắk Lắk, và có thể nó sẽ trở thành một “sản phẩm” mời gọi khách du lịch đến với địa phương.

Vấn đề đặt ra là: “Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách” có giống như những địa phương khác không? Có nét gì riêng có của Đắk Lắk không?

Yêu cầu đặt ra là Bộ quy tắc này gắn với Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, phải tập trung làm nổi bật được nội hàm của ba khái niệm “văn minh”, “thân thiện”, “mến khách”, vừa đảm bảo các yêu cầu chung của Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vừa có bản sắc riêng phù hợp với văn hóa truyền thống của Đắk Lắk, phải súc tích, dễ nhớ, dễ thực hiện và phải được áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh, bao trùm trên các mặt của đời sống xã hội.

Thảo luận về vấn đề này, ông Trịnh Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng cần xây dựng Bộ quy tắc theo hướng quy định những quy tắc chung nhất, phù hợp với mọi đối tượng và cái gì đã quy định rồi thì không nên lặp lại.

Còn theo quan điểm của PGS.TS Tuyết Nhung Bkrông, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên thì Bộ quy tắc ứng xử của người Đắk Lắk phải mang tính riêng, hiện đại, đa dạng nhưng đặc thù, cần tôn trọng không gian chung của cộng đồng và sự đa dạng về văn hóa.

Ông Phạm Đình Xây, Chánh Văn phòng Sở Giao thông vận tải lại có ý kiến, Bộ quy tắc cần hết sức ngắn gọn, cái gì pháp luật đã quy định thì thôi, ví dụ như ứng xử khi tham gia giao thông, nơi bến xe, sân bay chẳng hạn, chỉ đưa ra những quy định chưa có trong các quy định của pháp luật.

Bà Châu Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Phòng Xây dựng văn bản, Sở Tư pháp thì đặt ra tiêu chí “rất khó” cho bộ phận tham mưu soạn thảo là làm sao phải “cô đọng, súc tích nhưng rõ ý, dễ hiểu”, về hình thức nên bố cục theo chương, mục, điều, khoản.

Cảnh quan nông thôn ở huyện Cư M’gar thêm thân thiện với những con đường hoa.   Ảnh: Thảo Djuang
Cảnh quan nông thôn ở huyện Cư M’gar thêm thân thiện với những con đường hoa. Ảnh: Thảo Djuang

 

Thiết nghĩ, nên chăng dự thảo Bộ quy tắc cần bố cục làm 3 chương: Chương 1 quy định chung, chương 2 quy định nội dung và chương 3 tổ chức thực hiện.

Ở chương 1, ngoài việc nêu phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Bộ quy tắc thì cần làm rõ khái niệm hoặc giải thích từ ngữ “Người Đắk Lắk văn minh – thân thiện - mến khách” là như thế nào?

Chương 2 quy định nội dung của Bộ quy tắc, nên chia thành 2 nhóm: Ứng xử với môi trường tự nhiên (cây xanh, rác thải, danh thắng, cảnh quan...) và Ứng xử với môi trường xã hội (gia đình, cộng đồng, nơi công cộng..., và trên mạng xã hội).

Chương tổ chức thực hiện nên nêu rõ đây là những quy định chung và theo hướng mở, các cơ quan, đơn vị, địa phương tùy tình hình thực tiễn có thể thêm những quy định đặc thù hoặc riêng có của mình vào cho phù hợp.

Bộ quy tắc nên có những điều khoản quy định sự tôn trọng không gian chung của cộng đồng và sự đa dạng của văn hóa Đắk Lắk với 49 dân tộc anh em cùng chung sống hiện nay, phải mang tính hiện đại, cập nhật thời sự nhưng không nên lặp lại bất cứ quy định nào của pháp luật đã có.

Về hình thức, phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng súc tích, đầy đủ các vấn đề liên quan. Phải làm sao để khi nhắc đến tỉnh Đắk Lắk là phải nhắc đến Bộ quy tắc này, và ngược lại, khi đề cập đến Bộ quy tắc này thì phải nói đến Đắk Lắk.

 

Múa xoang, nét đẹp văn hóa của người Êđê trong các lễ hội.    Ảnh: Lê Hương
Múa xoang, nét đẹp văn hóa của người Êđê trong các lễ hội. Ảnh: Lê Hương

 

Để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách” rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, và đặc biệt là sự góp ý, phản biện của các tầng lớp xã hội và đông đảo người dân thông qua các cuộc hội nghị chuyên đề, hội thảo, góp ý kiến rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó sẽ góp phần mang lại chất lượng và tính phù hợp thực tiễn cho bộ quy tắc này và giúp Bộ quy tắc sớm đi vào cuộc sống, trở thành “thương hiệu” riêng của người Đắk Lắk.

Đặng Gia Duẩn

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.