Yêu sao dân ca M'nông
Dân ca M’nông được sáng tác, lưu truyền trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt. Ngày nay, nhiều người M’nông ở huyện Lắk vẫn thuộc lòng, thường biểu diễn trong các lễ hội.
Dân ca M'nông gồm hai thành phần cơ bản là âm nhạc và lời ca, gắn bó, hỗ trợ cho nhau. Nội dung những bài dân ca phản ánh cuộc sống thường ngày của đồng bào M'nông, như: tình yêu đôi lứa, ca ngợi những chàng trai anh dũng, có sức khỏe phi thường chiến đấu chống lại cái ác để bảo vệ buôn làng, vẻ đẹp thiên nhiên, dặn dò thế hệ sau, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Dân ca M’nông có nhiều thể loại như: ru con, đồng dao, kể, khấn thần, giao duyên… Riêng phần âm nhạc thường được những người đàn ông trong buôn làng thể hiện bằng kèn bầu 6 ống (còn gọi là Nung Pro, N’hôông Pro, M’buốt).
Ông Y Nhang Liêng vừa hát dân ca vừa thổi kèn. |
Những người như ông Y Nhang Liêng, bà H’Jiêng Ndu đều đã lớn tuổi, họ thường thổi kèn, hát dân ca mỗi khi có hoạt động tập thể, lễ hội hay hát sau những giờ lao động..., mong truyền lại cái hay, cái đẹp cho con cháu.
|
Ông Y Nhang Liêng (SN 1954, buôn Năm, xã Đắk Phơi) là một trong số ít người vừa có thể hát dân ca vừa thổi kèn. Ông cho biết, ngày xưa hầu như người đàn ông nào trong buôn cũng biết thổi kèn và hát dân ca. Hát thì có thể nghe nhiều là thuộc, còn thổi kèn ông được học từ cha, ông, và phải mất một thời gian rất lâu mới có thể thổi thành thạo. Giờ đây, tuổi đã cao, nhưng mỗi ngày ông đều mang kèn ra thổi và hát dân ca cho con cháu nghe, mong rằng dân ca của dân tộc không bị mai một.
Tương tự, bà H’Jiêng Ndu (SN 1940, buôn R’cai A, xã Krông Nô) rất yêu hát dân ca của dân tộc mình. “Từ nhỏ tôi nghe người lớn hát rồi hát theo, cứ thế thuộc cả trăm bài. Tôi hát dân ca khi một tay địu con, tay còn lại làm việc, thích bài nào tôi hát bài ấy cho quên bớt mệt nhọc, thoải mái đầu óc. Khi đi nương rẫy, đi hái rau rừng cùng người dân trong buôn, chúng tôi hát đối đáp, động viên nhau chăm chỉ làm việc", bà H’Jiêng tự hào kể.
Sở hữu giọng ca ngọt ngào nên bà H’Jiêng thường được tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội của buôn làng. Không chỉ vậy, bà H’Jiêng có thể tự sáng tác lời, thêm thắt các đối tượng cụ thể như ngọn núi, con sông ngay tại quê hương, tên của những người đi trước trong một số bài dân ca mộc mạc, vần điệu dễ nhớ để dặn dò con cháu, đặc biệt là khi hát đối đáp.
Bà H’Jiêng Ndu vẫn thường hát dân ca M’nông cho gia đình nghe. |
Theo bà H’Jiêng hát đối đáp chủ yếu hát khi đi làm hoặc hát trong các dịp lễ hội. Tất cả mọi người tham gia được chia làm hai nhóm, hát đối - đáp với nhau. Hát đối đáp có thể có sẵn bài, nhưng trong quá trình hát hầu như mọi người đều phải tự sáng tác lời ca mới, ngẫu hứng thể hiện tâm tư tình cảm của mình. Chỉ cần cách mở lời, nhịp điệu giống nhau. Nội dung hát đối đáp thường nói về cảnh quan thiên nhiên, về tình yêu quê hương, lứa đôi.
Qua những làn điệu dân ca M’nông, cuộc sống của đồng bào M’nông ở huyện Lắk hiện lên thật sinh động, gần gũi. Chỉ là một lời hát dặn dò con cháu đối nhân xử thế hay đối đáp giao duyên cất lên bâng quơ nhưng đằng sau đó là sự ý nhị, kín đáo, sâu sắc mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được…
Thùy Dung