Multimedia Đọc Báo in

"Cho góc trời của tôi tự sáng"

14:23, 26/07/2021

Giữa muôn vàn những khung tranh, mảng màu, nữ họa sĩ trẻ Hoàng Duyên (SN 1985, ở phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) đã tìm cho mình một lối đi riêng, một “góc trời” để thỏa sức bay bổng cùng nét vẽ. Ở đó, nữ họa sĩ chọn “làm bạn” với tranh khắc gỗ và đắm say cùng sắc hoa dã quỳ.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Hoàng Duyên theo học Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương 2 Nha Trang, ngành Sư phạm Mỹ thuật. Từ năm 2006 đến nay, chị là giáo viên dạy mỹ thuật tại Trường THCS Nguyễn Du (thị xã Buôn Hồ). Để nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng hội họa, chị tiếp tục học liên thông ở Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Hoàng Duyên kể: “Sau khi ra trường, bên cạnh công việc giảng dạy, tôi cũng vẽ tranh tường và mở câu lạc bộ “ Sắc màu ART” cho các em thiếu nhi sinh hoạt. Mãi đến năm 2019, khi tìm thấy lối đi riêng cho nét vẽ của mình, tôi mới tập trung sáng tác...”.

Họa sĩ Hoàng Duyên giới thiệu về tác phẩm nằm trong seri “Hương sắc cao nguyên”.
Họa sĩ Hoàng Duyên giới thiệu về tác phẩm nằm trong seri “Hương sắc cao nguyên”.
 

Hoàng Duyên là một nữ tác giả trẻ có lối đi riêng trong sáng tác, tạo được dấu ấn trong nghệ thuật tỉnh nhà. Cô có tác phẩm từng được giới thiệu tham dự Triễn lãm Khu vực V - nam miền Trung và Tây Nguyên và Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.”

 

Ông Trần Thanh Long, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật – Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk

Nữ họa sĩ trẻ này đã không ngần ngại thử sức với nhiều loại tranh như sơn dầu, sơn mài, acrylic... nhưng phải đến với tranh khắc gỗ chị mới thực sự là chính mình, với niềm say mê đến lạ. Chỉ trong 2 năm, chị sáng tác hơn 70 tác phẩm, trong đó có đến 50 bức là tranh khắc gỗ. Chị tâm sự: “Nếu chỉ có sự yêu thích mà không đủ đam mê và kiên nhẫn thì không ai chọn lối sáng tác mất nhiều thời gian này. Bởi để hoàn thiện một bức tranh khắc gỗ phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ.”.

Nguồn cảm hứng trong bức tranh khắc gỗ của nữ họa sĩ 8X đến từ vùng đất và con người Tây Nguyên. Những nếp nhà sàn, chiếc gùi, con đường đất đỏ...“bước” vào bức vẽ của Hoàng Duyên đẹp nhẹ nhàng, dung dị và rất đỗi tự nhiên. Một số chủ đề chính trong seri tranh của chị là: “Hương sắc cao nguyên, “Cao nguyên mùa hoa”, “Nắng, gió cao nguyên”… Tranh của chị đôi khi còn “ghi chép” cảm xúc, hoài niệm như các bức vẽ “Ngôi nhà tuổi thơ”, “Về quê”...  Nhưng dù ở mạch cảm xúc nào, các bản vẽ luôn ngát hương dã quỳ. Nữ họa sĩ lý giải: “Tôi si mê sắc vàng và sức sống mãnh liệt của loài hoa ấy. Tôi muốn công chúng biết đến vẻ đẹp của vùng đất Tây Nguyên qua đặc trưng gần gũi này”. Và cứ thế, dã quỳ “sống” trong tranh Hoàng Duyên một cách sinh động. Khi là dã quỳ hoài niệm trước sân nhà, lúc lại reo vui dọc con đường làng, khi thì bẽn lẽn bên bé gái, đôi lúc lại ủ rũ cạnh những rừng cây bị chặt bỏ...

Tác phẩm “Chiếc gùi của thiếu nữ”.
Tác phẩm “Chiếc gùi của thiếu nữ”.

Trên các diễn đàn về hội họa, tranh của nữ họa sĩ Hoàng Duyên nhận được nhiều phản hồi tích cực và được người yêu tranh tìm mua. Vừa qua, họa sĩ Hoàng Duyên chính thức trở thành hội viên của Chi hội Mỹ thuật – Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh. Mong muốn của chị là được lan tỏa niềm đam mê tranh khắc gỗ nói riêng và hội họa nói chung tới các học sinh, những người yêu tranh ở khắp nơi.

Thùy Duyên


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.