Dưới bóng rừng Sar Luk
Sinh năm 1921 tại Hải Phòng, Condominas có bố là người Pháp, mẹ là người Việt Nam lai Bồ Đào Nha. Học tiếng Việt từ mẹ và thời thơ ấu ông chỉ ở Việt Nam, theo học ngành luật và hội họa ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Khi chiến tranh kết thúc, ông về Pháp theo học ngành nhân văn tại Đại học Sorbone (Paris) và năm 1948, lúc mới 27 tuổi, Georges Condominas một mình trở lại Việt Nam và lặn lội lên vùng đất Tây Nguyên bấy giờ còn hoang sơ. Nơi ông chọn đến là ngôi làng Sar Luk ẩn khuất giữa đại ngàn (thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk ngày nay), cộng đồng dân cư chỉ vẻn vẹn 146 người và chưa từng tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Tại đây, Georges Condominas học tiếng M’nông, sống và làm việc như một người M’nông thực thụ. Trong ký ức của già làng Sar Luk, hơn hai năm trời ở đây, Georges Condominas cũng đóng khố, cởi trần, biết săn bắn, đánh bắt cá, biết làm nương rẫy, chế biến và ăn được tất cả những món ăn của dân làng. Ngoài ra, ông còn tham dự tất cả những sinh hoạt cộng đồng. Chính sự hòa nhập đó mà dân làng Sar Luk ngày trước đã gọi ông là Yoo Condo đầy thân thiết.
Trong khoảng thời gian ở làng Sar Luk, Georges Condominas đã ghi tên tuổi của mình vào một sự kiện gây chấn động, đó là việc phát hiện bộ đàn đá đầu tiên của nhân loại tại Ndut Liêng Krak - một địa điểm cách làng Sar Luk khoảng vài mươi cây số, nơi có những phiến đá xanh kỳ lạ mà người M’nông gọi là “đá kêu”. Giữa năm 1950, Georges Condominas gửi những thanh đá này đến Paris và sau đó công bố phát hiện này trên tạp chí Âm nhạc học. Về sau, các tài liệu nghiên cứu thừa nhận đây là bộ đàn đá đầu tiên và cổ xưa nhất thế giới với niên đại khoảng 3.000 năm.
Sau hơn hai năm gắn bó với dân làng Sar Luk, luận án tiến sĩ của Georges Condominas hoàn thành, được xuất bản và trở thành tác phẩm kinh điển với cái tên lạ lẫm “Chúng tôi ăn rừng Đá thần Gôo” (Nous avons mang éla forêt de la Pierre-Génie Gôo). Cái tên Sar Luk bỗng trở thành địa danh thu hút không chỉ những nhà dân tộc học, khảo cổ học mà còn ám ảnh nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn khác. Lần đầu tiên, thông qua những trang sách sinh động của Georges Condominas, các nhà khoa học biết đến một tộc người nhỏ bé nhưng có nền văn hóa thâm trầm, đầy chất kỳ ảo. Có thể nói, “Chúng tôi ăn rừng Đá thần Gôo” sau khi xuất bản đã gây chấn động trong giới nghiên cứu khoa học hàn lâm. Nhà nghiên cứu nhân chủng và dân tộc học Claude-Lévi Strauss - người khai sinh trường phái nhân chủng học hiện đại nhận xét tác phẩm đã “đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó và hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có từ trước tới nay”.
Nhà dân tộc học Condominas hòa nhập vào cuộc sống buôn làng Sar Luk. Ảnh tư liệu |
Thời gian chung sống với người M’nông Gar ở làng Sar Luk, ngoài tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng Đá thần Gôo”, ông còn có tác phẩm “Xa lạ là chuyện hàng ngày: Sar Luk, miền Trung Việt Nam” (L’exotique est quotidien: Sar Luk, Viet Nam central) càng khẳng định tên tuổi Georges Condominas trong giới học thuật.
Không dừng lại ở tư cách là chuyên gia nghiên cứu về tộc người M’nông ở Việt Nam và trung thành với nguyên tắc “nghiên cứu thực địa”, Georges Condominas tiếp tục “điền dã”, triển khai các đề tài nghiên cứu về dân tộc học, từ vựng học, tôn giáo… ở nhiều nước châu Á, tiếp tục cho ra đời các công trình khảo cứu, nhiều cuộc triển lãm, trưng bày, phim khoa học… Nổi bật là tác phẩm “Không gian xã hội vùng Đông Nam Á” (L’espace social. A propos de l’Asie du Sut-Est). Với công trình này, ông đã xác quyết nội hàm khái niệm “không gian xã hội” như là công cụ để nghiên cứu hình thái, hệ thống xã hội của người M’nông Gar, người Thái, người Lào và người Kinh (Việt), qua đó làm nổi bật không gian văn hóa, xã hội và khía cạnh lịch sử của mỗi cộng đồng.
Dù nổi tiếng trên thế giới về chuyên ngành khoa học nhưng trong sâu thẳm trái tim, Georges Condominas luôn nhớ về Việt Nam. Nửa thế kỷ sau, khi quay trở lại Việt Nam, ông đã dành thời gian về làng Sar Luk. Ông nói, “về” chứ không phải “đến” bởi Sar Luk và những người M’nông Gar đã là một phần máu thịt trong ông.
Với những đóng góp của mình, Georges Condominas đã được Nhà nước Việt Nam vinh danh bằng Huy chương Hữu nghị, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học xã hội” và năm 2010 được trao tặng Giải thưởng Phan Châu Trinh.
Mọi sinh hoạt, văn hóa, lễ hội của người M’nông Gar đều được Codominas ghi chép và chụp lại. Ảnh tư liệu |
Trong bộ phim tài liệu “Xa lạ là chuyện thường ngày” (tên phim lấy ý từ tác phẩm của chính ông) của Trung tâm Văn hóa Pháp thực hiện, hình ảnh Georges Condominas chống gậy về thăm lại ngôi làng Sar Luk xưa kia đã để lại cho người xem những xúc cảm mạnh. Hình ảnh cuối cùng trong phim, khi nhận quà tặng là chiếc áo thổ cẩm của người M’nông tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, ông đã ôm mặt khóc và nói: “Cảm ơn mọi người, các bạn đã cho tôi nhiều hơn tất cả”. Sau này, khi ông mất vào năm 2011, người dân làng Sar Luk thương tiếc ông, họ nói “Yoo Condo là người M’nông, chúng tôi làm mọi nghi lễ tiễn đưa ông ấy như một người M’nông”.
Trong tác phẩm đầu tiên “Chúng tôi ăn rừng Đá thần Gôo”, Georges Condominas từng nhận xét rằng, trong văn hóa tộc người M’nông, người giàu có không phải là người sở hữu nhiều của cải mà là người biết lấy của cải đem phân phát cho người khác. Với ý nghĩa đó, Georges Condominas thực sự là người giàu có. Và cứ như ông chưa hề đi xa, linh hồn ông chỉ đang dạo chơi đâu đó, với anh em bầu bạn M’nông, dưới bóng rừng Sar Luk…