Multimedia Đọc Báo in

Say hương vị rượu cần truyền thống

08:32, 10/07/2021

Gia đình chị H’Biêr Mlô (SN 1968), ở buôn T’lung, thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) có truyền thống ủ rượu cần, nên từ nhỏ chị đã được mẹ, bà chỉ dạy về cách ủ rượu cần thơm ngon.

Rượu cần từ lâu đời đã trở thành thức uống phổ biến của đồng bào Êđê, "văn hóa” rượu cần của người Êđê đã được nhiều người dân biết đến và đón nhận, song không phải ai cũng cảm nhận được hương vị cũng như ý nghĩa của rượu cần trong đời sống. Với mong muốn đưa sản phẩm rượu cần chất lượng đến gần với người dân hơn, đồng thời góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chị H’Biêr vẫn thường ủ rượu cần cho gia đình uống và bán cho nhiều người dân trong vùng khi có nhu cầu đặt mua.

Để ủ rượu cần ngon chị H’Biêr sử dụng gạo, ngô, vỏ cây…, trong đó quan trọng nhất là men lá. "Đầu tiên mang gạo đi ngâm mềm rồi đem phơi thật ráo, sau đó xay nhuyễn thành bột. Bỏ bột gạo, vỏ cây và các nguyên liệu cần thiết vào cối giã thật nhuyễn. Khi thấy hỗn hợp đạt độ dẻo, thơm nhẹ thì vo viên lại bằng cái bát, đặt lên lá chuối đã được rải một lớp trấu trên bề mặt và để một thời gian viên men hỗn hợp này tự khô lại. Sau khi có men thì chuyển sang giai đoạn nấu cơm, ủ rượu. Cơm được rải đều ra cho nguội, rồi trộn đều với men lá và cho vào chóe. Ủ trong vòng 2 - 3 tháng thì cơm sẽ lên men, dậy mùi thơm, có thể sử dụng", chị H’Biêr chia sẻ bí quyết làm rượu cần.

Chị H’Biêr Mlô thuyết trình  về dự án tham dự Cuộc thi Phụ nữ  khởi nghiệp  sáng tạo  năm 2021.
Chị H’Biêr Mlô thuyết trình về dự án tham dự Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2021.

Năm 2019, sau nhiều năm ấp ủ, chị H’Biêr mạnh dạn thực hiện ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm rượu cần truyền thống. Chị dành thời gian tìm hiểu những thông tin liên quan đến sản phẩm rượu cần, từ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng… để mang đến sản phẩm chất lượng, mẫu mã, giá cả phù hợp nhất. Thạo nghề, lại khéo léo, chăm chỉ nên rượu cần do chị H’Biêr ủ được nhiều người trong và ngoài tỉnh như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre… đặt mua. Trung bình mỗi tháng chị xuất bán 50 chóe rượu cần, với giá từ 170.000 – 450.000 đồng/chóe (tùy kích thước). Đặc biệt, vào các dịp lễ, tết nhu cầu sử dụng rượu cần của người dân tăng cao, có thời điểm chị xuất bán trên 300 chóe, đem lại cho chị nguồn thu nhập đáng kể.

Bên cạnh sản phẩm rượu cần, gia đình chị H’Biêr có hơn 1 ha cà phê, khi thu hoạch xong chị giữ một ít để tự rang xay sử dụng trong gia đình. Tuy nhiên, biết chị chế biến cà phê theo phương pháp thủ công, nhiều người dân và một số chủ quán cà phê trong huyện đã đặt mua về pha bán. Để đủ số lượng cà phê bột cung cấp cho người tiêu dùng chị H’Biêr phải mua thêm cà phê của một số người dân ở địa phương. "Tôi trực tiếp rang cà phê liên tục trên lửa hồng hơn 3 giờ (mỗi lần rang 2 kg), khi cà phê ngả màu cánh gián, cho mùi thơm đặc trưng là hoàn thành. Trung bình mỗi tháng tôi xuất bán 90 kg cà phê với giá 150.000 đồng/kg", chị H’Biêr cho biết.

Chị H’Biêr Mlô (thứ 2 bên trái) đạt giải Khuyến khích Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2021.
Chị H’Biêr Mlô (thứ 2 bên trái) đạt giải Khuyến khích Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2021.

Sản phẩm rượu cần truyền thống, cà phê do chị H’Biêr Mlô chế biến đã có nhiều người biết tới, song vẫn còn những khó khăn trên con đường khởi nghiệp, nhưng niềm đam mê, tinh thần dám nghĩ, dám làm của chị H’Biêr rất đáng ghi nhận, là tấm gương cho phụ nữ dân tộc thiểu số học hỏi.

Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2021 được phát động từ tháng 3-2021, thu hút 174 ý tưởng, dự án tham gia. Qua đó, khuyến khích và phát triển tư duy sáng tạo, tính năng động, dám nghĩ, dám làm, tạo nguồn cảm hứng, đam mê kinh doanh cho hội viên phụ nữ. Dự án “Chế biến sản xuất rượu cần truyền thống dân tộc Êđê” của chị H’Biêr Mlô đã đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi.

Thùy Dung


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.