Vua voi Khunjunốp trong di sản ảnh
Vua voi Khunjunốp là tên gọi của Y Thu Knul, người khởi nghiệp cho nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng và giao lưu mua bán voi với các nước láng giềng: Campuchia, Thái Lan, Miến Điện...
Ngoài những di sản, dấu tích về Khunjunốp còn lại đến nay như: lăng mộ, nhà sàn gỗ, đồ dùng đi săn, đồ dùng sinh hoạt của ông lúc sinh thời, còn có khá nhiều bức ảnh tư liệu quý hiếm ghi lại chân dung và hoạt động của vị vua voi này.
Y Thu Knul sinh năm 1828 và mất năm 1938, thọ 110 tuổi. Thành tích nổi bật của ông là tham gia bắt được 444 con voi rừng, con thứ 218 là một chú voi trắng (bạch tượng). Ngoài đàn voi đông đúc lớn nhỏ, nhà Y Thu còn có trâu bò đầy bãi, lợn gà đầy chuồng, đồng la, chiêng trống, ché quý rất nhiều. Nhờ ông mà những nơi gần Buôn Đôn như các buôn Drang Phôk, Yang Lành, buôn Tul và ở một số buôn làng khác nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, yên lành.
Bức vẽ truyền thần từ ảnh chụp vợ chồng Y Thu Knul. Ảnh tư liệu |
Trong những tù trưởng ở Tây Nguyên, Y Thu là người được chụp khá nhiều ảnh. Một bức ảnh quý hiếm chụp ảnh Y Thu Knul và nhóm chiến binh của ông vào năm 1890 tại Buôn Đôn do Auguste Pavie, công chức dân sự thuộc địa người Pháp, nhà thám hiểm và ngoại giao ghi lại. Pavie là người đóng vai trò trọng yếu trong việc thiết lập quyền kiểm soát của Pháp tại Lào trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ 19. Sau một thời gian phục vụ lâu dài tại Campuchia và Nam Kỳ (An Nam), Pavie trở thành Phó Công sứ Pháp tại Luang Prabang năm 1885, và cuối cùng là Thống đốc và Đặc nhiệm Toàn quyền Pháp tại Lào. Bức ảnh do Pavie chụp tại Buôn Đôn mô tả Y Thu Knul và nhóm chiến binh có những chi tiết thú vị: họ đều quấn và thắt chiếc khăn trên đầu, tất cả đều đóng khố, mặc chiếc áo quấn hình chữ X và áo khoác, tay cầm chiếc giáo cán dài - vũ khí chủ yếu dùng để đi săn và chiến đấu của các chiến binh thời xưa. Hai người trong nhóm chiến binh này có nón rộng vành, hình chóp nhọn, không đội nón lên đầu mà đặt vành xuống đất.
Vua voi Khunjunốp được chụp ảnh từ lúc còn khá trẻ đến khi về già. Bức ảnh đắt giá lúc trẻ là bức ông chụp với vợ mình, sau đó được vẽ lại bằng phương pháp truyền thần. Trong ảnh, vợ chồng ông khoảng ngoài 40 tuổi, mặc trang phục giống người Lào, tay Y Thu cầm khẩu súng trường. Những bức ảnh rõ nét nhất chụp Y Thu là khi ông đã trở thành “già làng”. Ông thường mặc chiếc sampot - giống kiểu quần truyền thống của người Lào, Campuchia, Thái Lan, áo vét màu trắng, giống như áo của binh lính, sĩ quan Pháp. Trên ngực áo luôn đeo nhiều huy chương, huy hiệu. Nghe nói ông đã từng được tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp và thường luôn đeo nó bên mình khi xuất hiện trong vai trò của thủ lĩnh, già làng của một vùng. Tay ông thường cầm một cây kiếm dài, giống vũ khí của các đấu sĩ châu Âu. Có lẽ cây kiếm này cũng được tặng và vị thủ lĩnh này mang theo bên mình để thể hiện uy quyền, oai phong chứ không phải tự vệ. Bức ảnh Y Thu cầm kiếm cũng được in thành bưu thiếp có dán tem Đông Dương, trên bưu ảnh chú thích: “Ban Me Thuot, Thủ lĩnh của người Rhades”.
Vua voi Y Thu Knul trên bưu ảnh xưa. Ảnh tư liệu |
Y Thu là người thủ lĩnh địa phương uy tín, có tiếng nói của cả vùng nên cũng được sự quan tâm kết nối “vượt cấp” với triều đình đương thời. Năm 1861, ông đã thân chinh đem chú bạch tượng dâng tặng vua Thái tại Cò Rạt. Nhận voi, vua Thái cảm phục tài năng của ông nên tặng ông tước vị Khunjunốp (Người giàu sang phú quý). Từ đó người trong buôn thường gọi ông bằng cái tên mới là Khunjunốp. Cựu hoàng Bảo Đại cũng là người ham săn bắn và đặc biệt rất mê voi. Nhà vua có một đội voi được nuôi giữ ở hồ Lắk phục vụ việc đi săn. Tháng 2-1933 Bảo Đại vi hành lên Đắk Lắk. Cuộc viếng thăm đã được nhà báo Pháp H.Le Grauclaude tả lại nghi thức đón tiếp nhà vua của thủ lĩnh Khunjunốp và các nài voi: “Cả xứ Đắk Lắk, các quản tượng được lệnh của lão ta (Khunjunốp) đều lục tục cho voi lên đường. Người ta đưa voi đến rất nhiều, đến nỗi lối vào Buôn Ma Thuột có tới 162 con voi đứng sắp hàng để nghênh giá, tiếng voi rống thay cho tiếng kèn đồng”. Cuộc vi hành và cảnh tượng đón tiếp đặc biệt này còn được nhà nhiếp ảnh M. Le Grauclaude đưa vào ống kính khá sinh động. Đây là cuộc hội ngộ đông đúc nhất của voi nhà và các gru ở Tây Nguyên. Tuy không thấy rõ hình ảnh Y Thu trong các bức ảnh này, nhưng ông chính là nhân vật quan trọng làm nên sự kiện ấn tượng và hoành tráng bậc nhất ở xứ Thượng lúc đó, cùng một lúc huy động thật nhiều voi ở các buôn làng về Buôn Ma Thuột để nghênh đón nhà vua.
Qua di sản ảnh cho thấy Y Thu không chỉ là người giàu có nhờ biết tổ chức săn bắt, buôn bán voi mà còn có ảnh hưởng trong bộ máy chính quyền sở tại. Như bức ảnh Y Thu và Công sứ Pháp tặng ngựa cho một thủ lĩnh Rhades tại Dinh Công sứ ở Ban Mê Thuột năm 1920; Y Thu và hàng chục nhân sĩ người Rhades họp mặt trong một sự kiện nào đó diễn ra vào năm 1920. Ảnh Y Thu không chỉ được in trên bưu ảnh (post-card) còn có một số bức được đăng báo. Các bức ảnh chụp Y Thu được đăng trên Báo Tiểu Paris phát hành ở Việt Nam năm 1936; ảnh Y Thu và một người cháu đăng trên báo Pháp năm 1936. Những bức ảnh đó đăng kèm bài báo minh họa cho nhân vật, thủ lĩnh ở miền đất Tây Nguyên xa xôi nhưng đầy kỳ bí và hấp dẫn đối với người Pháp. Bên cạnh những bức ảnh ghi lại hoạt động, còn có nhiều ảnh đặc tả chân dung Y Thu. Trên gương mặt của ông có một mụn cóc khá to ở ngay dưới mắt trái.
Những nhân vật nổi tiếng Tây Nguyên như thủ lĩnh Y Thu được các nhà nhiếp ảnh người Pháp đưa vào ống kính khá sớm. Đây thực sự là những tư liệu quý hiếm có giá trị nghệ thuật và tư liệu lịch sử. Một số ảnh được đưa vào lưu niệm gia đình, in trong các công trình biên bảo, báo chí, trưng bày ở các bảo tàng. Xem lại những bức ảnh như đưa ta về quá khứ xa xưa, “gặp” lại những nhân vật làm nên dấu ấn văn hóa Tây Nguyên…
Tấn Vịnh