Tà Pạ non nước hữu tình
Tà Pạ, một ngọn đồi nhỏ, cao khoảng 120 m nằm cận thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) sát biên giới Tây Nam làm say đắm lòng du khách bởi cảnh quan kỳ vĩ nhưng không kém phần thơ mộng, lãng mạn.
Đứng trên đồi Tà Pạ khi nắng chiều chếch về phía tây, bạn sẽ thấy cánh đồng Tri Tôn dưới chân núi Cô Tô với những thửa ruộng bậc thang như ô bàn cờ màu xanh, rải rác những cây thốt nốt như những bóng người đang đứng trầm tư, mặc tưởng. Khói lam chiều mờ trong bóng núi cùng tiếng chuông chùa Pnom Tà Pạ ngân vọng trong không gian yên tĩnh khiến lòng du khách dâng lên nhiều cảm xúc…
Theo đường Nguyễn Trãi, từ thị trấn Tri Tôn, du khách đi chừng 2 km sẽ tới chùa Tà Pạ. Đi thẳng lên đồi theo con đường lát đá xanh độ 200 m bạn sẽ tới khuôn viên chùa. Ở đoạn lưng đồi có tượng Chằn Year đứng chỉ đường vòng ra sau chùa và đồi Tà Pạ; lại có hai chú chim thần Keynor sải cánh cúi đầu như đón chào du khách. Theo sư cả Noul So Danh, chùa Tà Pạ thuộc Phật Giáo Nam Tông, đã trên 300 năm tuổi, trải qua 8 đời sư trụ trì. Bước vào cổng chùa, ta sẽ gặp Tháp Phật, một công trình kiến trúc mang dấu ấn Khmer truyền thống với đỉnh tháp mái dốc vút cao, nhọn, đầu hồi hình chim công. Các màu vàng, đỏ, cam được phân bố hợp lý trong tổng thể hài hòa. Đứng trên Tháp Phật, du khách sẽ thấy bao quát thị trấn Tri Tôn lô nhô, sầm uất xen lẫn giữa màu xanh của ruộng vườn, sông nước. Trong khuôn viên chùa có vườn tượng mô tả lúc thái tử Tất Đạt Đa quyết tâm xuống tóc đi tu, tìm chánh pháp, cứu độ chúng sinh. Các nhân vật trong quần thể vườn tượng được các nghệ nhân dân gian tô, tạc theo mô-típ cổ điển Khmer, sinh động và gần gũi với cảm quan của quần chúng.
Núi Cô Tô – Phượng Hoàng Sơn. |
Theo ngón tay chỉ của Chằn Year ở ngã ba, du khách đi theo con đường mòn quanh co uốn lượn giữa rừng bạch đàn xanh ngút. Một không gian bao la, kỳ vĩ như vỡ òa ra trước mắt! Cách đây hơn mươi năm, đồi Tà Pạ là một công trường khai thác đá. Nơi đây, bây giờ ngẫu nhiên trở thành một thắng cảnh đẹp với hồ nước trong xanh màu ngọc bích, những khối đá, bức tường đá với nhiều hình thù kỳ lạ gợi cho bạn nhiều tưởng tượng! Có nơi giống như đấu trường La Mã, có chỗ giống như những cột đá của thành Athens cổ…
Đối diện với đồi Tà Pạ là khối núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn) hùng vĩ, xanh mơ. Có thể nhìn thấy Sân Tiên bên ấy mờ ảo trong nắng chiều vàng nhạt, mang mang… Người ta kể lại rằng, ngày xưa, những đêm trăng sáng các tiên nữ trên trời hay đáp xuống Sân Tiên vui vầy múa hát; những dấu chân tiên để lại, in khá rõ trên nền đá còn đến bây giờ, dẫu cho đất trời đã trải qua bao mùa phong sương tuế nguyệt, vật đổi sao dời…
Núi Cô Tô là một ngọn núi đẹp nằm trong hệ thống dải Thất Sơn (Bảy Núi) thuộc địa bàn xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Từ dưới chân núi Cô Tô, nếu đi từ 9 giờ sáng, đến giữa trưa du khách sẽ đến Điện Năm Căn và dừng chân nghỉ ngơi ở đây một đỗi. Điện Năm Căn là một ngôi điện nhỏ nằm khuất mình dưới một “vồ đá” to với những bóng cây cổ thụ thâm u, cao vút. Theo người dân địa phương, chỗ này xưa kia là nơi nghỉ chân của những “ông Hổ”. Từ điện Năm Căn đi lên khoảng trên trăm bậc đá sẽ lên đến Vồ Hội… Vồ Hội là địa điểm thích hợp cho những ai muốn tìm đến nơi thanh vắng để cảm nhận sự bình yên và thanh thản. Giữa mênh mông, hoang vắng của núi rừng có một ngôi nhà nghỉ nhỏ, dành cho khách thập phương đi hành hương lưu trú qua đêm tránh mưa gió, bão bùng. Những đêm trăng thanh gió mát đứng ở Vồ Hội, du khách sẽ nhìn thấy được hình ảnh tuyệt vời của ánh trăng treo trên đầu núi, hít thở không khí tinh khiết, trong lành.
Đêm về trên đỉnh Cô Tô, du khách có thể cùng ngồi lai rai hoặc uống trà bên bếp lửa cho ấm lòng. Du khách sẽ được nghe các vị sư huynh tu trên núi kể chuyện xưa kia của Thất Sơn kỳ bí, thuở nơi đây còn là vùng hoang địa với hùm beo, mãng xà, voi tượng; chuyện những người đi tìm kho báu trong rừng sâu, núi thẳm biến thành “xà niêng”; chuyện các vị đạo sĩ trên núi chém rắn hổ mây, thu phục mãnh thú…
Sau một đêm ngủ trên đỉnh Phụng Hoàng Sơn, xuống chân núi, du khách dừng bước thư giãn bên hồ Soài So thơ mộng. Đây là hồ nước ngọt nhân tạo do người ta đắp đập chặn dòng chảy của suối Vàng, suối Bạc. Hồ Soài So có dung tích trên 400.000 m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho hàng nghìn héc-ta đất quanh khu vực núi Cô Tô mùa khô hạn. Hồ Soài So cũng là một thắng cảnh nổi tiếng của vùng Bảy Núi bởi yếu tố “sơn” và “thủy” tạo nên “non nước Cô Tô” hữu tình tạo dấu ấn trong lòng người bản xứ và khách bốn phương.
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc