Đến cuối tháng 9-2014 phải hoàn thành tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công
Cùng với cả nước, tỉnh Dak Lak đang nỗ lực thực hiện cuộc tổng rà soát chính sách với người có công theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là việc làm thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công. Để hiểu hơn về cuộc tổng rà soát này, PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN ĐÀN, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, Phó trưởng Ban Thường trực Ban rà soát của tỉnh.
°Thưa ông cuộc tổng rà soát lần này có quy mô như thế nào?
Đây là cuộc tổng rà soát lớn nhất từ trước tới nay đối với đối tượng chính sách người có công trên địa bàn tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung. Theo Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phối hợp số 4836/CTr-BLĐTBXH-UBTWMTTQVN, ngày 05-12-2013 của Bộ LĐTB&XH và UBTWMTTQVN thì có 7 nhóm đối tượng thuộc diện được rà soát, bao gồm: Liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong kháng chiến. Qua kiểm tra sơ bộ, dự kiến có gần 20 ngàn đối tượng sẽ được rà soát theo quy định; với địa bàn rà soát khoảng 160 đơn vị xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài đối tượng thuộc diện rà soát, trong quá trình rà soát, các tổ rà soát vẫn phải tiếp nhận những thông tin người dân cung cấp về các đối tượng là người hoạt động kháng chiến nhưng chưa được công nhận để xem xét giải quyết chế độ theo quy định.
°Theo kế hoạch đến thời điểm nào sẽ hoàn thành việc rà soát và quy trình thực hiện ra sao?
Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Sở LĐTB&XH đã chủ động phối hợp với Ủy UBMTTQVN tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 2218/KH-UBND, ngày 04-4-2014 triển khai thực hiện việc rà soát trên địa bàn tỉnh. Theo đo, chậm nhất đến ngày 30-9-2014 việc rà soát phải thực hiện xong. Vì vậy, trong tháng 4 này các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các cấp, xây dựng kế hoạch, tổng hợp danh sách đối tượng, xác định địa bàn rà soát và thành lập các tổ rà soát ở cơ sở thôn, buôn, khối phố. Từ tháng 5 đến tháng 7-2014, tiến hành tổng rà soát trên địa bàn toàn tỉnh, sau đó các địa phương tổng hợp số liệu công bố kết quả rà soát trên địa bàn và báo cáo UBND huyện, tiếp tục phân loại đối tượng, lập hồ sơ và chuyển Sở LĐTB&XH và các cơ quan chức năng tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết chế độ cho đối tượng trước 30-7-2015.
°Như vậy, việc rà soát được thực hiện trên phạm vi rộng, với một khối lượng công việc khá lớn nhưng thời gian không dài, vậy ngành triển khai như thế nào để bảo đảm không bỏ sót đối tượng?
Để xác định đúng đối tượng, công bằng, chính xác là việc làm rất khó, đòi hỏi người làm công tác này ngoài chuyên môn vững vàng, nắm rõ chế độ chính sách đối với người có công cần làm việc một cách công tâm, trách nhiệm thì mới làm tốt được. Để không bỏ sót đối tượng và hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra phải có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bản thân người có công và toàn thể nhân dân. Về phía Sở LĐTB&XH đã chủ động phối hợp với UBMTTQVN tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các huyện, thị xã thành phố và một số xã phường, thị trấn (đơn vị chọn tổ chức rà soát thí điểm); đồng thời chỉ đạo Phòng LĐTB&XH các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, lập danh sách đối tượng, địa bàn rà soát. Trong quá trình rà soát thường xuyên kiểm tra, giám sát, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những vướng mắc ở cơ sở.
°Xin cảm ơn ông!
Nguyên Hoa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc