Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện

08:08, 21/04/2022

Ngay những tháng đầu năm 2022, BHXH tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và phát triển người tham gia.

Tính đến ngày 31/3/2022, toàn tỉnh Đắk Lắk có 16.744 người tham gia BHXH tự nguyện. Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn cho biết, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện, nhất là quy định về mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP). Vì vậy, ngay trong những tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân. Cụ thể, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đưa tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm 2022; phối hợp cơ quan báo, đài địa phương thực hiện các tin, bài, phóng sự và chương trình đối thoại trực tiếp trên sóng truyền hình; phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, hệ thống đại lý thu tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân. Đặc biệt là BHXH tỉnh vừa tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tuyên truyền BHXH trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 yêu cầu ngành BHXH phối hợp với sở, ngành liên quan đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH…

Nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia, BHXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thị xã đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Trong đó, tập trung thông tin qua việc tổ chức livestream đối thoại chính sách BHXH, BHYT trên mạng xã hội Facebook, Zalo; bố trí cán bộ tư vấn chính sách khi người dân có nhu cầu, tổ chức phát tờ rơi, treo pa nô, áp phích, tổ chức tuyên truyền lưu động, các hội nghị tuyên truyền, vận động theo nhóm nhỏ. Song song đó, đội ngũ đại lý thu BHXH, BHYT tại các địa phương cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân. Nhờ vậy, kết quả phát triển người tham gia BHXH, BHYT đang dần khởi sắc. Chẳng hạn như tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột), hằng tuần, đội ngũ đại lý thu BHXH, BHYT của xã vẫn thường xuyên phối hợp với người có uy tín đến từng nhà dân để vận động, thuyết phục, tuyên truyền giúp họ thấy được quyền lợi thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Chị Nguyễn Thị Hà, một đại lý thu BHXH, BHYT của xã Cư Êbur chia sẻ, cùng với việc tuyên truyền trực tiếp, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã để tất cả mọi người dân trên địa bàn đều được tiếp cận thông tin nhanh và kịp thời nhất. Đồng thời, bản thân chị cũng chủ động nhắn tin, gọi điện nhắc thông báo người dân khi sắp đến hạn đóng BHXH tự nguyện hoặc hết hạn thẻ BHYT hộ gia đình. Nhờ vậy mà số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn luôn được duy trì và ngày một tăng.

Người dân tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện.

Hay như tại thị xã Buôn Hồ, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều người dân đã tích cực tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, BHXH thị xã đã vận động được 451 người tham gia. Đáng nói, nhận thức của người dân về BHXH tự nguyện đã được nâng lên rõ rệt. Như chị Nguyễn Thị Lạt (SN 1972, ở phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ), mặc dù bán quán tạp hóa nhỏ ven đường, thu nhập không cao, nhưng sau khi được tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện của Nhà nước, chị đã quyết định tham gia. Đến nay, sau 2 năm tham gia, chị Lạt thấy rằng, số tiền đóng mỗi tháng cũng phù hợp với thu nhập và việc tham gia BHXH tự nguyện giống như bỏ ống tiết kiệm để dành lo cho cuộc sống khi về già.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh, BHXH tự nguyện chính là phương thức mà người dân khi còn trẻ có thể tham gia để dành cho tuổi già. Tham gia càng sớm, sự chuẩn bị cho tương lai càng sớm, càng thuận lợi, dễ dàng hơn. Khoản phí tham gia BHXH hôm nay chắc chắn sẽ được hưởng trong tương lai, được Nhà nước tính chi trả lương hưu, trợ cấp một lần… theo chỉ số giá tiêu dùng, như vậy giá trị đồng tiền của người lao động luôn được đảm bảo. Hiện nay, nhiều người lao động đã nhìn thấy được lợi ích của BHXH tự nguyện nên đã tích cực tham gia. Đây cũng là cơ hội để BHXH tỉnh tiếp tục mở rộng thêm đối tượng tham gia loại hình này trong thời gian tới.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.