Multimedia Đọc Báo in

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện ở huyện Lắk: Đối mặt nhiều khó khăn

07:19, 05/12/2023

Thời gian qua, mặc dù Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để chính sách BHXH tự nguyện đến gần với người dân, song công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Bám sát chỉ tiêu BHXH tỉnh giao, BHXH huyện Lắk đã tập trung các giải pháp nhằm lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân, lao động tự do tại địa phương, qua đó góp phần mở rộng đối tượng tham gia. Cụ thể, BHXH huyện đã tích cực phối hợp với các ngành, hội đoàn thể và chính quyền địa phương cấp xã tổ chức hội nghị tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH và BHYT nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và các đối tượng tham gia trên địa bàn. Tham mưu UBND huyện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho các xã hằng năm. Qua hoạt động tuyên truyền góp phần giữ ổn định và phát triển mới đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương. Kết quả, tính đến hết tháng 10/2023, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện là 705 người (đạt gần 89% kế hoạch giao), phấn đấu đến cuối tháng 12 năm nay đạt chỉ tiêu 793 người tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện trong công tác hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, buôn, tổ dân phố và người lao động hợp đồng ở các xã, thị trấn theo Quyết định số 5881/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND huyện đã góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện. Được triển khai từ cuối năm 2022, đến nay đã hỗ trợ hơn 580 triệu đồng cho hàng trăm cán bộ và người lao động thuộc diện thụ hưởng.

Từng có thời gian gần 10 năm làm công nhân cho một công ty tại TP. Buôn Ma Thuột, đến khoảng giữa năm 2022, anh Tống Hoàng Long (SN 1988, trú tổ dân phố 3, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) nghỉ việc. Tính đến thời điểm nghỉ việc, anh đã có thời gian gần 10 năm tham gia BHXH bắt buộc. Đến tháng 7/2022 anh làm nhân viên giao hàng theo hình thức thuê khoán tại Bưu điện huyện Lắk. Khi tiếp nhận công việc mới, anh được nhân viên BHXH huyện Lắk tư vấn tiếp tục tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện, ban đầu anh cũng do dự vì sợ thu nhập bấp bênh. Sau khi tìm hiểu, anh thấy được nhiều lợi ích thiết thực nên thay vì rút bảo hiểm một lần thì anh quyết định tiếp tục tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện.

Anh Tống Hoàng Long (tổ dân phố 3, thị trấn Liên Sơn) tiếp nhận hàng hóa ở Bưu điện huyện Lắk để giao cho khách hàng.

Tương tự, với suy nghĩ mỗi tháng chắt chiu một khoản tiền nhỏ nhưng đổi lại được nhận lương hưu khi đủ tuổi và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chăm sóc sức khỏe lâu dài, chị Nguyễn Thị Ánh Mai (trú tổ dân phố 2, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đã tham gia BHXH tự nguyện. Đến nay chị đã tham gia BHXH tự nguyện được khoảng 5 năm. Chị Mai cho hay, hiện nay BHXH tự nguyện có rất nhiều mức đóng nên những lao động tự do như chị có nhiều lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân. Chị xem chi phí đóng bảo hiểm hằng tháng như một khoản tiết kiệm, thay vì bỏ heo đất thì chị tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng các chế độ, chính sách khi về già.

Tuy nhiên, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở huyện Lắk vẫn còn những khó khăn. Cụ thể, một số người dân nhận thức còn mơ hồ về chính sách BHXH tự nguyện. Việc tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng quyền lợi là quá trình lâu dài so với tham gia BHYT nên nhiều người còn tâm lý ngần ngại, cân nhắc trước khi tham gia. Trong khi đó so với BHXH bắt buộc, chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự thu hút do chưa có nhiều quyền lợi đối với người tham gia như không có chế độ thai sản đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Chị Nguyễn Thị Ánh Mai (bên trái) tìm hiểu chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo Giám đốc BHXH huyện Lắk Vũ Văn Hải, huyện Lắk là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên thu nhập bấp bênh dẫn tới việc phát triển người tham gia thiếu bền vững. Đặc biệt, theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ, từ đầu năm 2022 mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng, theo đó mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng tăng theo. Do vậy, một số lao động có thu nhập thấp không mặn mà tham gia BHXH tự nguyện. Thêm vào đó, sau dịch COVID-19, do hoạt động kinh doanh khó khăn, nhiều lao động làm công nhân ở các thành phố lớn trước đây đã đóng BHXH bắt buộc ở doanh nghiệp, khi trở về địa phương do không có việc làm ổn định nên rút chế độ BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt.

Để hoàn thành các mục tiêu về phát triển BHXH, BHYT, đặc biệt khắc phục những khó khăn trong phát triển BHXH tự nguyện, BHXH huyện Lắk cử cán bộ, nhân viên về tận thôn, buôn, tổ dân phố để tuyên truyền, lan tỏa tính ưu việt của chính sách bảo hiểm cho người dân nắm rõ. Đối với lao động từ các tỉnh, thành phố nghỉ việc trở về địa phương, ngành bảo hiểm sẽ giải thích để họ tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện nhằm được hưởng lương hưu và chế độ BHYT khi về già. Đồng thời tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng cho người tham gia.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.