Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Còn nhiều thách thức
Nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho mỗi người dân, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tuy nhiên, công tác phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện vẫn đang là một bài toán khó, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Thực tế thời gian qua ở các địa phương cho thấy, đời sống của bà con nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, chưa nói đến việc các địa phương này có tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Vì thế, việc tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, chủ động trích một phần thu nhập tham gia BHXH tự nguyện nhằm được hưởng lương hưu khi về già luôn là thách thức với ngành BHXH.
Đơn cử như tại thị xã Buôn Hồ, mặc dù là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khá phát triển nhưng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện thấp nhất so với các huyện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một số địa phương tập trung đông đồng bào DTTS như xã Ea Drông, Ea Blang, Ea Siên... do đời sống khó khăn, thu nhập thấp và không ổn định nên việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện gặp rất nhiều trở ngại. Thậm chí, nhiều người dân còn không có điều kiện để tham gia bảo hiểm y tế, không biết đến BHXH tự nguyện...
Nhân viên thu BHXH xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) giới thiệu chính sách BHXH, bảo hiểm y tế để vận động người dân tham gia. |
Trước thực trạng đó, thời gian qua, BHXH thị xã đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến tận các thôn, buôn và hộ gia đình. Thế nhưng, do nhận thức còn hạn chế và đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn nên tỷ lệ người dân tham gia rất ít. Đến cuối năm 2023, toàn thị xã chỉ mới phát triển được 519 người tham gia BHXH tự nguyện.
Đến cuối tháng 4/2024, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh chỉ còn 17.186 người, giảm 7.206 người so với cuối năm 2023, giảm 488 người so với cùng kỳ năm 2023. |
Tại huyện Ea H’leo, thời gian qua, BHXH huyện đã triển khai nhiều hoạt động; linh hoạt, đổi mới và đa dạng nội dung, cách thức tuyên truyền để phù hợp với từng nhóm chủ thể, đặc điểm từng khu vực thôn, buôn. Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 1.242 người tham gia BHXH tự nguyện; trong khi đó, chỉ tiêu UBND tỉnh giao địa phương phát triển trong năm 2023 là 2.642 người.
Theo ông Lê Tấn Kiểm, Giám đốc BHXH huyện Ea H'leo, thời gian qua dù số lượng người dân tham gia BHXH tự nguyện có phát triển nhưng con số này vẫn chiếm rất ít so với số lao động trong độ tuổi thực tế trên địa bàn huyện. Nguyên nhân ngoài việc nhận thức của nhiều người dân còn hạn chế thì một phần do đời sống kinh tế của họ còn nhiều khó khăn nên chưa mặn mà tham gia. Mặt khác, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm nên hiệu quả chưa cao.
Đơn cử như trường hợp anh Y Nguat Niê (người dân buôn Briêng A, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) khi được hỏi về việc tham gia BHXH, anh chia sẻ, dù kinh tế gia đình cũng khá giả nhưng do không hiểu biết nhiều về chính sách BHXH tự nguyện cũng như quyền lợi được hưởng nên anh không có ý định tham gia.
Cán bộ BHXH tuyên truyền, vận động anh Y Nguat Niê (bìa phải) tham gia BHXH tự nguyện. |
Theo BHXH tỉnh, cùng với nguyên nhân nhận thức và đời sống kinh tế người dân còn khó khăn thì thời gian qua do quy định thu nhập chuẩn nghèo đa chiều mới tăng lên gấp đôi khiến mức đóng BHXH tự nguyện cũng tăng lên hơn gấp đôi. Trong khi đó, dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần chi phí nhưng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện còn thấp, khiến việc vận động người dân tham gia gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sau thời điểm dịch bệnh COVID-19.
Trước thực tế đó, ngành BHXH nhận định, công tác thông tin, tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chế độ, chính sách BHXH đến nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS. Để người dân hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện thì ngoài những nỗ lực của cán bộ BHXH, nhân viên thu thì cần phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đặc biệt cần phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong việc tuyên truyền, giải thích cho người dân, con cháu hiểu rõ lợi ích khi tham gia loại hình bảo hiểm này.
Ngoài ra, đòi hỏi phải có chính sách, nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện từ nguồn lực địa phương bên cạnh kinh phí hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời, thêm quyền lợi thụ hưởng chính sách cho đối tượng này.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc