Multimedia Đọc Báo in

Thêm hai di tích danh lam thắng cảnh được thống nhất tên gọi và khoanh vùng bảo vệ

16:11, 08/11/2021

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thống nhất tên gọi và khoanh vùng các khu vực bảo vệ hai di tích danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Đó là Di tích danh lam thắng cảnh thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng), xã Krông Nô, huyện Lắk. Đây là một trong các ngọn thác trên bàn huyện Lắk mang vẻ đẹp hoang sơ nhưng đầy thơ mộng, được bắt nguồn từ đỉnh núi cao, ngọn thác đổ xuống chân núi, tạo thành những tầng thác nối tiếp nhau.

Tên gọi thác Liêng Puh Pêt là cách gọi của đồng bào M’nông Gar từ xa xưa cho đến ngày nay, nó có nghĩa thác có tảng đá lớn khắc (nặn) thành hình con trâu; thác Ba Tầng là cách gọi của người Kinh sinh sống tại xã Krông Nô dành cho dòng thác đẹp, có ba tầng. Dựa trên ý nghĩa đó, các đơn vị đã thống nhất tên gọi của di tích là: “Thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng)”, với diện tích khoanh vùng của di tích khoảng 13 ha.  

Hội nghị thống nhất tên gọi và khoanh vùng các khu vực bảo vệ Di tích danh lam thắng cảnh thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng) xã Krông Nô, huyện Lắk.

Thứ hai là thác Drai Kmang Mnu (thác Lồ Ô), xã Ea Lai, huyện M’đrắk, cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột khoảng 100 km, là một trong những thác đẹp, hùng vĩ và khá hoang sơ.

Theo tiếng của người Êđê: Drai có nghĩa là thác, Kmang M’nŭ có nghĩa là mào gà, Drai Kmang M’nŭ có nghĩa là thác mào gà. Tên này dựa vào truyền thuyết về con gà thần mào đỏ bảo vệ dòng suối, ngọn thác, rừng, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho buôn làng.

Còn tên gọi thác Lồ Ô là của những người dân khắp nơi về đây sinh sống, khi đi khai hoang làm rẫy qua đây họ nhìn thấy một ngọn thác đẹp, hùng vĩ, hai bên bờ có rất nhiều cây Lồ Ô mọc thành cả rừng dài, nên từ đó đặt tên cho ngọn thác.

Cũng dựa vào truyền thuyết gắn với văn hóa của người dân nơi đây, di tích được thống nhất tên gọi: Di tích danh lam thắng cảnh thác Drai Kmang M’nŭ (thác Lồ Ô); diện tích khoanh vùng của di tích khoảng 30 ha.

Thác Lồ ô (Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk)
Thác Drai Kmang M’nŭ (thác Lồ Ô). Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk.

Sau khi thống nhất tên gọi và khoanh vùng bảo vệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xét công nhận xếp hạng Di tích cấp tỉnh theo quy định cho hai di tích trên.

Những di tích này sẽ trở thành nơi tham quan lý tưởng, thuận lợi cho ngành du lịch, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.