Multimedia Đọc Báo in

Thơm nồng hương rượu ca cao nhà làm

08:59, 31/10/2021

Hơn bốn năm nay, bà H’Bim Bkrông (buôn Phôk, xã Yang Tao, huyện Lắk) vẫn miệt mài chắt lọc từng giọt rượu thơm nồng hương vị trái ca cao tươi để bán cho người dân địa phương và khách du lịch trong, ngoài nước.

Năm 2007, trên 1 ha đất của gia đình bà H’Bim có hơn 1.000 gốc cây ca cao, hằng năm cho thu hoạch khoảng từ 2,5 - 3 tấn hạt khô. Sau mỗi lần tách cơm để lấy hạt, nhìn những rổ cơm ca cao trắng mềm, nếm thử có vị ngọt thanh, để lâu lại lên men nên bà nảy ra ý định ủ rượu nấu từ cơm ca cao để tránh lãng phí. Đến năm 2017, bà mới bắt đầu mày mò ủ men, tách cơm và tìm cách để có những chai rượu ca cao như bây giờ.

Thời gian đầu do chưa biết cách nên rượu ủ ra chỉ được thời gian ngắn là bị men hóa, chua không sử dụng được. Cứ thế, hết mẻ này đến mẻ khác, trải qua không ít lần thất bại, những hũ rượu ca cao thành phẩm của bà ra đời. Bà H’Bim tiết lộ, khác với cách nấu rượu gạo, do ca cao là loại hạt tự lên men nên không cần trộn các loại men khác vào.

Để có những giọt rượu ca cao có mùi thơm đặc trưng, trước tiên phải chọn những trái ca cao chín mọng, ruột mới thơm và ngọt. Quả ca cao sau khi hái được để trong bóng râm từ 2 - 3 ngày, sau đó cắt ra tách lấy cơm lẫn hạt, cơm trắng đục, dẻo mềm như ruột trái măng cụt là đạt tiêu chuẩn để ủ rượu.

Bà H'Bim Bkrông tiến hành ủ men trong lá chuối sau khi tách cơm ca cao.

Dụng cụ để ủ ca cao chỉ cần các vật kín như chậu, thùng và một cái rổ để bỏ phần cơm vừa tách vào ủ, xung quanh phải dùng lá chuối tươi để che chắn giữ độ ẩm cho cơm ca cao. Khoảng 7 ngày thì cơm ca cao bắt đầu rỉ ra từng giọt nước dưới đáy chậu, thùng. Tuy nhiên, để có những giọt rượu ca cao ngon, chỉ được lấy nước trong hai ngày đầu ủ men (ngày thứ 7 và ngày thứ 8 tính từ thời điểm ủ), nếu lấy đến ngày thứ 3 thì rượu thành phẩm sẽ bị chua, nhạt.

Sau khi chắt được tầm 10 lít nước đã ủ, phải đem đi nấu hơn 2 giờ mới có thể cho ra được 5 lít rượu ca cao thành phẩm. Quá trình nấu phải điều chỉnh ngọn lửa nhỏ vừa phải để rượu không bị bốc hơi, giữ được độ ngon và vị ngọt nguyên chất của trái ca cao tươi. Nấu xong phải để thật nguội mới được đổ rượu sang bình, bởi đổ lúc nóng sẽ không bảo quản được lâu.

Rượu nấu xong, quan sát bằng mắt nếu thấy có màu vàng tươi của mật ong rừng là đạt, lúc ngửi sẽ nghe thoang thoảng mùi men dịu nhẹ, không hắc như những loại rượu nấu từ gạo vì nó có độ cồn thấp. Khi uống vào thấy đầu lưỡi hơi tê tê, có vị ngọt thanh, thoảng mùi thơm của cơm ca cao tươi.

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để nấu ra được một hũ rượu ca cao đúng vị, bắt tay vào làm mới hiểu được, mỗi công đoạn đều phải thận trọng, không thể sơ suất, đòi hỏi sự kỳ công nhất định.

Bà H'Bim Bkrông rót rượu ca cao đãi khách.

Hễ khách du lịch hay người thân, họ hàng xa ghé nhà chơi, gia đình bà đều niềm nở mời nếm thử hương vị những ly rượu ca cao tự chế biến. Mặc dù chưa có thương hiệu, nhưng nhiều người ghé xã Yang Tao đều tìm đến gia đình bà khám phá, trải nghiệm và thưởng thức. Trước dịch, trong dịp lễ, ngày nghỉ, mỗi ngày gia đình bà đón hàng chục khách du lịch đến tham quan vườn, mua rượu ca cao về làm quà. Mỗi chai rượu 500 ml, bà bán với giá 90.000 đồng.

Anh Y Xim Ndu, một người thường tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Lắk chia sẻ, không ít khách du lịch mỗi lần ghé huyện Lắk đều nhờ anh dẫn đến tham quan vườn ca cao của người M’nông và thưởng thức vị men nồng này.

Rượu ca cao ở đây có vị ngọt nhẹ thanh, thoang thoảng hương ca cao, không bị chát như rượu vang từ nho. Huyện Lắk có hai vùng trồng ca cao với diện tích khá lớn là xã Yang Tao và xã Đắk Phơi. Anh cũng hy vọng thời gian tới, các vườn cây sẽ là điểm đến thu hút khách du lịch tham quan và các sản phẩm từ cây ca cao như rượu, sinh tố và hạt sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc