Đình cổ Hải Châu - góc tĩnh lặng giữa phố thị
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất ở thành phố Đà Nẵng, đình làng Hải Châu như nép mình vào khoảng không gian tĩnh lặng yên bình.
Nhịp điệu hối hả, ầm ào của phố xá ngoài kia dường như tách biệt hoàn toàn với khung cảnh trầm mặc cổ kính rêu phong của đình làng.
Đến bây giờ vẫn chưa có tư liệu nào đề cập chính xác niên đại hình thành đình làng Hải Châu, song theo gốc tích, gia phả của một số tộc họ còn lưu lại đã cho thấy đình được xây dựng rất sớm và là ngôi đình cổ nhất của Đà Nẵng. Hải Châu đình cổ đúng nghĩa bởi vì từ năm 1471, một đoàn người từ làng Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đã theo vua Lê Thánh Tông đi bình Chiêm, mở đất. Sau khi đánh đuổi giặc Chiêm Thành, vua Lê cử một tướng quân ở lại vùng đất Đà Nẵng ngày nay cùng với các tráng đinh thuộc 43 chư phái các tộc của con dân Đại Việt khai khẩn. Vùng đất Đà Nẵng thuở ấy là những bãi cát tua tủa xương rồng hoang dại, nhiều chỗ sình lầy, lau lách rậm rạp. Họ dựng nhà, mở đất làm ăn, sống kề sát bên nhau rồi trở thành cái làng của những người xa quê. Do những người trong làng đều có cội nguồn, tiên tổ từ vùng đất Hải Châu của xứ Thanh rời cố hương vào lập nghiệp nên tên làng Hải Châu ra đời là thế, giống như làng Minh Hương xưa ở phố cổ Hội An.
Cũng như bao mái đình làng Việt khác, sự hiện diện của đình làng Hải Châu ra đời từ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của con người. Lúc đầu đình được dựng tại khu đất Nghĩa Lợi sát bên bờ sông Hàn để thờ cúng Thành hoàng và các bậc tiền hiền, hậu hiền rồi trải qua thời gian khá dài với bao biến cố thăng trầm, đình hư hỏng hoàn toàn nên được dời đến dựng ở một địa điểm khác cao ráo hơn. Làng Hải Châu từng bước lớn lên cùng năm tháng rồi trở thành cái tên “Hải Châu Chánh xã” của các vương triều phong kiến. Đến năm 1903, các làng, xã ở Đà Nẵng cũng đã hình thành khá nhiều, chùa chiền cũng đồng hành hình thành theo cuộc sống của người dân. Năm ấy, nạn dịch đậu mùa tràn lan khắp nơi, người Pháp trưng dụng đình làng Hải Châu làm nơi điều trị dịch bệnh, một năm sau mới trả lại cho dân sinh hoạt. Các hương chức trong làng cho rằng người Pháp đã làm ngôi đình bị ô uế, xâm phạm tín ngưỡng linh thiêng vốn có của ngôi đình nên đệ đơn lên vua Thành Thái xin dựng mới mái đình ở vị trí ngày nay. Cùng với việc xây đình, dân làng còn dựng thêm nhà thờ tiền hiền, miếu Bà, thờ thánh mẫu Thiên Y Ana.
Cổng tam quan đình cổ Hải Châu. |
Đình làng Hải Châu hiện nay có diện tích 144 m2, chia thành ba gian gồm mái hiên, hậu bái, hậu tẩm. Phần hậu tẩm được kết cấu bằng khung gỗ, các thanh trính, xuyên đều chạm trổ, chính giữa bộ vì kèo có con đội với 8 cột gỗ tròn nhẵn bóng. Nhà thờ 43 chư phái tộc xây theo lối ngang, chiều dài 11,3 m, rộng 13,7 m gồm ba gian, hai chái, mái lợp ngói âm dương như đình, đầu hồi ghi các chữ “Kĩnh Ái Tự”, phía trước mái đình là hồ sen, non bộ hình chữ nhật. Cổng tam quan và hồ nước được sắp xếp theo trục bắc nam; dãy ngôi đình, nhà thờ 43 chư phái tộc và nhà thờ tiền hiền, miếu Bà được xây theo trục đông tây, tất cả các mặt tiền đều quay về hướng đông nam. Tuy đình làng đã qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn vẹn nguyên dáng dấp ban đầu và còn lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử liên quan đến ngôi đình cổ kính này như quả chuông đồng cao 1,3 m, 3 tấm bia ký bằng đá cẩm thạch, 6 bức hoành phi, 10 tấm liễn sơn son thếp vàng… Do mang trên mình nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa của làng Việt cũng như quá trình tồn tại theo thời gian, ngày 12/7/2001, đình làng Hải Châu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Từ năm 2009, lễ hội đình làng Hải Châu được nâng cấp lên quy mô lớn hơn cùng dịp giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch nhằm nhắc nhở cháu con luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội và các bậc tiền nhân có công tạo dựng ra làng Hải Châu từ thuở xa xưa.
Đình làng Hải Châu hiện là một trong những điểm du lịch ở phố biển Đà Nẵng. Du khách muôn nơi đến với đình làng Hải Châu không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh truyền thống vốn có mà còn chiêm ngưỡng ngôi đình có lối kiến trúc cổ điển, đậm chất Á đông với các nét đẹp nền nã, xưa cũ giữa chốn thị thành hiện đại của đô thị đầu núi, cuối sông. Đến với đình làng Hải Châu là tìm về với không gian xanh mát rượi, trong lành, liếp chiếp tiếng chim trên các cành cây cổ thụ lúc ban trưa, để đắm chìm trong bầu không khí nhẹ nhàng, yên ả. Bước vào sân đình, ta như trút bỏ hoàn toàn mọi âm thanh, nhịp điệu đông đúc, ồn ào của phố xá chỉ cách đó vài chục mét. Mọi vương vấn, bon chen của cuộc đời như chững lại, quên đi, chỉ còn sự thanh tịnh vô bờ. Tựa lưng vào chiếc ghế đá dưới bóng cây của sân đình để được nghe khe khẽ tiếng lá rơi...
Thái Mỹ
Ý kiến bạn đọc