Xúc cảm cùng “Một thời để nhớ”
Những hiện vật được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề “Một thời để nhớ” do Bảo tàng Đắk Lắk vừa tổ chức không chỉ tái hiện một giai đoạn lịch sử của dân tộc mà còn để lại bao cảm xúc cho các thế hệ khi tham quan, thưởng lãm.
Trưng bày bao gồm 75 hình ảnh, tư liệu và khoảng 150 hiện vật với hai chủ đề: “Không gian Tết xưa” nhằm tái hiện một không gian sinh hoạt Tết xưa với những hiện vật thân thuộc và gần gũi, kết hợp trang trí thêm hoa mai, mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét ngày xuân; chủ đề “Dấu ấn thời bao cấp ở Đắk Lắk (1976 - 1986)” trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật đặc trưng thời bao cấp như: tem phiếu, giấy chứng nhận sử dụng xe đạp, radio, sổ gạo, sổ mua lương thực, tiền giấy… mang dấu ấn về một thời còn nhiều khó khăn, hàng hóa, vật dụng khan hiếm.
Hình ảnh “Không gian Tết xưa” nhằm tái hiện một không gian sinh hoạt Tết xưa với những hiện vật thân thuộc và gần gũi |
“Thời bao cấp” là tên gọi về một giai đoạn (từ năm 1975 – 1986) mà hầu hết mọi hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung do Nhà nước quản lý. Phần lớn các loại hàng hóa được Nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, sổ, bìa, hạn chế trao đổi bằng tiền mặt. Tiền lương đôi khi cũng được trả bằng hiện vật. Cũng chính từ những hiện vật này mà tạo nên những câu chuyện khó quên và còn được ví von cho đến tận ngày nay; đơn cử như cuốn sổ gạo (hay sổ cấp lương thực). Thời kỳ đó, mỗi cán bộ được cấp cuốn sổ để mua lương thực hằng tháng, căn cứ vào tên, tuổi, nghề nghiệp đăng ký trong sổ hộ khẩu... Vì vậy, sổ này vô cùng quan trọng đối với mỗi gia đình, mất cuốn sổ là cầm chắc nhịn đói, có thể đói trong nhiều ngày, bởi hành trình, thủ tục xin cấp lại cuốn sổ này cũng không phải dễ dàng. Thế nên, những câu nói ví von như “mặt nghệt như mất sổ gạo”, “mặt lơ ngơ như mất sổ gạo” xuất hiện trong thời kỳ này và được nhiều người sử dụng cho đến tận bây giờ để nói về việc mất đi một điều gì đó rất quan trọng. Đó là một trong những lý do cuốn sổ gạo thời ấy được mọi người bảo quản, giữ gìn rất cẩn thận.
Từ ngày 2 - 5/2/2022 (tức ngày mùng 2 đến mùng 5 Tết Nhâm Dần), bên cạnh trưng bày chuyên đề “Một thời để nhớ”, tại Bảo tàng Đắk Lắk còn có các hoạt động trải nghiệm thiết thực và ý nghĩa như: hồi ức về “Hương vị xưa”, trải nghiệm không khí Tết xưa tại không gian phòng khách thời kỳ bao cấp, tham gia trò chơi “Ống tre may mắn”... |
Hay từ “đặt gạch” cũng được dùng khá nhiều ở thời kỳ bao cấp, đó là hình ảnh một người đứng xếp hàng, phía sau là vô số cục gạch được người khác đặt để giữ chỗ hoặc đánh dấu việc xếp hàng mua nhu yếu phẩm tại các cửa hàng mậu dịch… Từ “đặt gạch” đến nay vẫn được nhiều người, nhất là lớp trẻ thường dùng trong cuộc sống hằng ngày, với ý nghĩa tương tự, nhưng “sức nặng” của nó đã vơi đi rất nhiều. Ông Phạm Ngọc Anh, Phó Trưởng Phòng Sưu tầm và trưng bày (Bảo tàng Đắk Lắk) cho biết: “Hầu hết người hiến tặng hiện vật là những người đã từng sống ở thời kỳ này, dù nhiều hiện vật không còn dùng đến, không có giá trị về vật chất nhưng lại có giá trị về mặt tinh thần rất to lớn. Nó giống như một “nhân chứng” cùng họ trải qua những khó khăn trong cuộc sống… vì vậy chúng được nâng niu, trân trọng và gìn giữ cho đến ngày nay”. Thật đặc biệt khi biết Bảo tàng Đắk Lắk trưng bày những hiện vật thời bao cấp, nhiều người đã liên hệ để hiến tặng, vì với họ, đó cũng là cách làm cho chúng được sống mãi trong lòng mọi người.
Các hiện vật: sổ mua lương thực (sổ gạo), tem phiếu... thời bao cấp tại trưng bày |
Mỗi một hiện vật thời bao cấp được lưu giữ đến ngày nay có những câu chuyện riêng gắn bó với chủ nhân, và nó cũng gắn liền với câu chuyện chung của một thời kỳ. Những câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng lại khơi gợi lên trong lòng công chúng nhiều cảm xúc. Đơn cử như chiếc xe đạp của bà Bùi Thị Đến (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) đang được trưng bày tại đây. Chỉ là một chiếc xe đạp nhưng đối với bà Đến, nó vô cùng quan trọng, bà thuộc làu từ ngày tháng mua xe đến từng chi tiết trong xe. Theo tài liệu ghi lại, ngày 14/12/1982, bà Đến mua lại chiếc xe đạp Thống Nhất biển kiểm soát KN 7175, số khung 926 BCL 25923 của ông Nguyễn Đắc Hiệu với giá 13 đồng. Trước đó, ông Hiệu mua lại của bà Phạm Thị Nhung; vì vậy giấy chứng nhận sở hữu xe đạp vẫn đứng tên bà Nhung. Vốn người cẩn thận, bà Đến đã dán giấy chứng nhận sở hữu xe đạp lên giấy chứng nhận mua bán bản viết tay giữa bà và ông Hiệu để tiện lưu giữ và sử dụng. Bà Đến nâng niu, giữ gìn chiếc xe, nó gắn bó với bà trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất. Khi mua về bà đã thay thế bằng các phụ tùng “có tiếng” lúc bấy giờ như bàn đạp của Liên Xô, đùi đĩa của Pháp, ghi đông của Tiệp… Chính vì lẽ đó, ai cũng nhận ra giá trị chiếc xe đạp, vừa là tài sản, vừa là niềm tự hào của bà lúc bấy giờ.
Chiếc xe đạp của bà Bùi Thị Đến (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) được giới thiệu tại trưng bày chuyên đề "Một thời để nhớ" tại Bảo tàng Đắk Lắk. |
Ngoài hiện vật được người dân hiến tặng, các cán bộ của Bảo tàng Đắk Lắk còn sưu tầm, thu thập thêm những tài liệu, hình ảnh ghi lại đời sống lúc bấy giờ của người dân Đắk Lắk, sự xuất hiện những bức ảnh của một đám cưới, hay cảnh người dân chen nhau xem chiếu bóng xưa… cũng tô đậm thêm ký ức về một thời đã qua.
Với hầu hết những khách trong và ngoài tỉnh, khi được tham quan, chiêm ngưỡng những hiện vật trên đều có những cảm xúc khó tả. Những thế hệ đi trước, đã từng trải qua thời kỳ này thì suy ngẫm, hồi tưởng về miền ký ức đầy khó khăn nhưng rất đỗi thân thuộc ấy; còn lớp trẻ hôm nay lại có điều kiện để hình dung và cảm nhận chân thật nhất về cuộc sống tuy vất vả nhưng bình dị, thắm đẫm tình cảm của thế hệ cha ông trước đây.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc