Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo chùa Vĩnh Tràng

16:25, 06/03/2022

Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên địa bàn ấp Mỹ An, phường Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là một ngôi chùa nổi tiếng, đã được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, là một điểm hành hương và du lịch không thể bỏ qua khi đến đồng bằng sông Cửu Long.

Chùa Vĩnh Tràng được hình thành vào đầu thế kỷ 19, do ông bà Bùi Công Đạt xây dựng. Năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được "vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa". Người dân trong vùng vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng.

Nét đặc sắc, nổi bật là ngôi chùa có kiến trúc pha trộn Á - Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chàm) và do nhiều nghệ nhân thuộc nhiều trường phái mỹ thuật tân, cổ đại xây dựng, nâng cấp theo nhiều giai đoạn thời gian. Chùa Vĩnh Tràng có cấu trúc, hình dạng theo chữ Quốc, gồm 4 gian nối tiếp nhau, xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1 m, xung quanh xây tường vững chắc. Khoảng sân trời giữa chính điện, nhà tổ, hậu đường có hòn non bộ, mô tả cách điệu lại cảnh quan sinh hoạt mang bản sắc dân tộc, văn minh đồng bằng xưa. Đứng trên hòn non bộ quan sát mặt sau gian chánh điện, hai bên hông nhà tổ, khách sẽ thấy lối kiến trúc Pháp pha trộn La Mã thể hiện trên những hàng đá hoa với nhiều gam màu sinh động, sặc sỡ được trang trí trên thành, nóc, trên những hàng cột nhiều kiểu cách.

Chùa Vĩnh Tràng.

Nội thất chùa có gam màu vàng chủ đạo được thếp trên các hình chạm, trên các tượng Phật. Những cây cột cái, còn gọi là long trụ trong gian chính điện là những cây cột tròn to, bằng gỗ quý kiến trúc theo kiểu cung đình Huế. Trước chùa có 2 cổng tam quan xây theo kiểu cổ lầu, cửa ngõ cẩn toàn bằng đồ sứ cổ in hình long, lân, quy, phượng. Canh, mục, ngư tiều, mấy câu đối cũng cẩn bằng mảnh chai nổi màu sắc long lanh, óng ánh rất ấn tượng.

Các nghệ nhân vào khoảng trước và sau thế kỷ 20 bằng những vật liệu gỗ danh mộc đã chạm khắc, làm nên những tác phẩm trang trí mang màu sắc tôn giáo huyền ảo, thể hiện bóng dáng cung đình phong kiến, những hình tượng sống động, cuộc sống vui tươi và ý chí con người muốn vươn lên cao qua hình ảnh, những tác phẩm phản ánh lại quá khứ vẻ vang dân tộc Việt Nam - dòng dõi con Rồng cháu Tiên qua hình tượng tứ linh.

Chùa Vĩnh Tràng có trên 60 tượng Phật được làm bằng gỗ, đồng, đất nung, xi măng; đa số tượng bằng gỗ đều được thếp vàng óng ánh và được tạo tác vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Riêng 3 tượng đồng (Di đà, cao 98 cm, Quan âm và Thế chí cao 93 cm) được tạo tác giữa thế kỷ 19. Ngoài ra trong chùa hiện nay còn hơn 20 bức tranh sơn thủy rất độc đáo mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình "mai, lan, cúc, trúc", phong cảnh Việt Nam rất nên thơ. Đó là công trình của Long Giang cư sĩ phác họa năm 1904. Những bức hoành, câu đối trong chùa được điêu khắc chữ nổi thếp vàng như những chữ "Hoàng kim bửu điện" được khắc từ năm 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp.                                          

Chùa Vĩnh Tràng còn có tượng Phật Di lặc khổng lồ cao 20 m, rộng 18 m với trọng lượng 250 tấn được đúc bằng bê tông cốt thép. Bên cạnh đó còn có tượng Phật Thích ca nằm khổng lồ dài 32 m ngay phía sau tòa chánh điện. Mới đây, chùa Vĩnh Tràng có thêm một tượng Phật đứng rất cao, to, đẹp, mô tả cách điệu Phật Thích ca đang đứng nhìn bao quát chúng sinh các cõi.                         

Chùa Vĩnh Tràng là một công trình tôn giáo hoành tráng, mang dấu ấn của nhiều trường phái xây dựng, nghệ thuật Á, Âu, được nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa chăm chút, tôn tạo... Nếu nhìn từ xa, khách tham quan có cảm tưởng như đây là một lâu đài trong cổ tích. Những đêm trăng thanh huyền ảo, cùng với tiếng chuông mõ công phu, chùa Vĩnh Tràng giống như chốn bồng lai tiên cảnh…

Mai Lý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.