Multimedia Đọc Báo in

Còn thương canh sắn rẫy sau hè

10:08, 22/05/2022

Sau đợt mưa bất ngờ kéo dài mấy ngày, đám sắn canh nông trên rẫy sau hè của cậu mợ bị gió quật tróc gốc ngã sấp lớp.

Tôi về thăm quê đúng ngày cậu mợ tranh thủ nhổ sắn kéo theo củ bởi nếu để thêm vài ba ngày thì khó nhổ lên vì cuống sắn bị thối củ nằm lại dưới đất. Buổi trưa, tôi phụ mợ nấu canh sắn. Gian bếp ấm cúng dậy lên hương thơm thoang thoảng của những món ăn từ củ sắn.

Với tôi, canh sắn là kỷ niệm của những năm tháng nghèo khó. Hồi còn nhỏ, tôi là đứa cháu ở nhà cậu mợ nhiều nhất. Mỗi lần đi chợ mợ thường mua những nhu yếu phẩm tối thiểu cần cho cuộc sống hằng ngày như mắm muối, cá khô, tôm khô, bột ngọt, mỡ…

Cá thịt tươi hầu như không có. Được cái vùng trung du quê tôi, đất trồng gì cũng tốt, tất cả đất rẫy được cậu khai khẩn trồng nhiều loại cà, dưa, khoai và chủ yếu là hai loại lương thực đậu phộng, sắn canh nông. Thế nên, dù đường núi xa xôi, ít đi chợ nhưng vẫn đủ cái ăn hằng ngày. Riêng sắn canh nông, ngoài việc nướng, luộc, hấp… đủ kiểu còn nấu canh suông với rau thơm ngoài vườn tuyệt ngon.

Khi mới đào lên, củ sắn nhìn xấu xí với lớp vỏ nâu xù xì, nhưng bên dưới lớp vỏ xù xì, sắn canh nông lại còn được bao bọc thêm bởi một lớp vỏ màu hồng bắt mắt.  Phải bóc cả hai lớp vỏ này ra thì mới thấy được màu trắng đục của những củ sắn.

Lần đầu chưa quen có lẽ sẽ rất lúng túng, nhưng nếu đã quen thì đơn giản vô cùng. Mợ một tay cầm củ sắn xoay chầm chậm, tay kia cầm dao khứa xeo xéo, vừa đủ tầm xuyên qua hai lớp vỏ, nhưng không phạm vào phần củ bên trong.

Khi đã khía suốt chiều dài củ sắn xong, dùng đầu mũi dao vừa lách dọc theo vết khía, vừa xoay nhẹ củ sắn thì lớp vỏ tự động bung ra, phô bày phần thân trắng muốt bên trong nhìn đến ngon mắt. Ấy nhưng đừng vội, thường phải ngâm nước và thay nước vài lần thật kỹ để bảo đảm các độc tố đã được hoàn toàn loại bỏ khỏi củ sắn. Sau đó mới chế biến làm các món mặn, ngọt hay các món bánh tùy ý.

Nồi canh sắn thơm ngon.

Tôi về quê đợt này được thưởng thức sắn luộc và sắn ghế cơm của mợ, có thêm đĩa đậu phộng rang giã nhỏ, hương vị thơm ngon, đậm chất quê no bụng mà không ngán. Nhưng tôi thích nhất món canh sắn nên “xung phong”  xuống bếp ra tay chế biến. Sợ tôi quên công thức, mợ dặn tỉ mỉ từng công đoạn.

Để nấu món canh sắn, chọn những củ sắn múp, ít xơ, không quá to. Lột hết vỏ sắn và rửa lại sạch sẽ rồi cắt lát vừa. Tiếp tục ngâm trong nước khoảng một giờ cho hết nhựa, sau đó vớt ra rổ để ráo nước. Trước tiên, cho dầu phộng vào nồi, phi hành lên cho thơm, rồi cho vào tao cùng chút muối để thấm đều. Tiếp đó đổ nước sôi vào sắn và nấu khoảng độ ba mươi phút.

Khi canh chín, chuẩn bị nhắc xuống thì cho một ít bột ngọt, rau thơm cắt nhỏ và một ít bột tiêu vào là có được món canh sắn thơm ngon, đậm đà. Nồi canh sắn đạt yêu cầu là phải không quá nát, không quá đặc, không quá loãng, lúc ăn có vị bùi và béo của sắn, vị ngọt của xương, mùi thơm hấp dẫn của hành, của rau thơm.

Sáng nay, ngủ dậy trời xứ Quảng vẫn còn mù mây, mưa lâm thâm. Những củ sắn canh nông được cậu mợ gói cẩn thận theo chân tôi về phố. Trong đầu mới nhẩm tính vài ba món sắn cho cả nhà thưởng thức mà đã nghe lòng ấm áp hương quê.

Phan Thị Thanh Ly


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​