Multimedia Đọc Báo in

Tạo sức bật cho du lịch Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk trong tình hình mới

10:38, 11/06/2022

Ngày 10/6, Báo Lao Động phối hợp với Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột, Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp (Liên hiệp các Hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Tọa đàm “Tạo sức bật cho du lịch Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk trong tình hình mới”.

Tham dự Tọa đàm có Vụ Trưởng Vụ Lữ hành (Tổng Cục Du lịch Việt Nam) Nguyễn Quý Phương; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; đại diện lãnh đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột, sở, ban, ngành; các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành, nghỉ dưỡng và các doanh nhân, nhà đầu tư… trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung có vị trí thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Tại địa phương còn có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, được khách du lịch đánh giá cao. Thế nhưng, những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết, lượng du khách trong và ngoài nước đến với nơi đây sau đại dịch COVID-19 vẫn chưa được như kỳ vọng. Hiện nay, đã có nhiều sản phẩm du lịch mới manh nha hình thành, nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, vướng các cơ chế chính sách, thiếu quy hoạch, rào cản…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, để phát triển du lịch, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk năm 2025, định hướng đến năm 2035. Đây là những cơ sở pháp lý cơ bản, tạo tiền đề quan trọng cho TP. Buôn Ma Thuột có giải pháp hiệu quả để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến, điểm du lịch; đề ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực cho du lịch; thu hút khách du lịch; thu hút đầu tư cho du lịch; phát triển doanh nghiệp du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch xứng tầm với tiềm năng…

Kiến trúc Sư Phạm Thanh Tùng chia sẻ các vấn đề về du lịch tại buổi tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tiềm năng phát triển du lịch Đắk Lắk, bao gồm tiềm năng và một số giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông nghiệp xanh kết hợp cộng đồng; hay kinh nghiệm về quy hoạch, phát triển kinh tế du lịch canh nông, du lịch cộng đồng; những thành công du lịch của đô thị cổ Hội An; các doanh nghiệp giới thiệu về các sản phẩm mới, độc đáo riêng, ấn tượng để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân địa phương cũng đã bày tỏ, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm cùng nhau tìm hướng tháo gỡ, giải quyết, để tạo điều kiện kinh doanh và phát triển…

Doanh nghiệp tìm hiểu về cà phê tại khuôn khổ chương trình.

Các nội dung trên sẽ giúp thành phố Buôn Ma Thuột thêm thuận lợi trong việc phát triển du lịch bền vững, hiệu quả; góp phần đưa thành phố phát triển và thực sự trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.

Mai Sao

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.