Gỡ “nút thắt” cho “Cà phê tour”
Tham quan, trải nghiệm và thưởng thức đặc sản cà phê được xem là sản phẩm du lịch đặc thù, có tiềm năng và thế mạnh của Đắk Lắk. Tuy nhiên đến nay, tour du lịch này vẫn chưa được hoàn thiện, khai thác đúng mức.
Ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn viên du lịch nhận xét: có thể nói sản phẩm “cà phê tour” còn lỏng lẻo và đang thiếu tính bền vững trong quá trình triển khai, thực hiện. Hầu hết các nông hộ có ý tưởng liên kết, hợp tác với doanh nghiệp làm du lịch đều tâm tư rằng, một khi đời sống sản xuất ổn định thì họ mới có điều kiện để thực hiện, ngược lại thì mọi chuyện trở nên hết sức khó khăn.
Trong vòng 5 - 7 năm gần đây, bên cạnh những nguyên nhân như lợi nhuận từ cà phê mang lại không là bao, do chi phí đầu tư quá cao, trong khi giá cà phê ở mức cầm chừng (trên dưới 40 nghìn đồng/kg), vườn cây già cỗi cho năng suất thấp, thì “hấp lực” của một số loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội như sầu riêng, bơ, nhãn… đã khiến nhiều nông hộ không còn chú trọng đầu tư cho loại cây trồng này như trước. Vì thế đời sống của “dân cà phê” ít nhiều bị giảm sút và mất đi nét đặc trưng có tính chất như một làng nghề để tham gia làm du lịch.
Khách du lịch tham quan vườn cà phê tại xã Dray Sáp (huyện Krông Ana). Ảnh: Mai Sao |
Anh Nguyễn Hữu Tú (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) chia sẻ: Bỏ cà phê để trồng cây khác thì dĩ nhiên cách nghĩ, cách làm cũng khác đi. Những gì liên quan đến cà phê - từ hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, đến cảnh quan vườn rẫy không còn như trước nên không thể đáp ứng hoạt động du lịch trải nghiệm với cà phê. Khoảng hơn một thập niên trước, nhất là vào những kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, có rất nhiều du khách đến tham quan vườn cà phê của họ cũng như các hộ gia đình khác trong vùng.
Các công đoạn đáp ứng nhu cầu của “thượng đế” như tưới nước, tỉa cành, thu hái, chế biến và thưởng thức cà phê… đều được chuẩn bị đầy đủ, từ nhân lực, phương tiện, vật tư, nên việc hướng dẫn, phục vụ du khách trải nghiệm về “một thế giới cà phê” với tư cách người trong cuộc hẳn là điều khá dễ dàng. Còn nay, các yếu tố “cần và đủ” ấy đang mất dần, khiến cộng đồng sản xuất cà phê không thể bắt tay với doanh nghiệp làm du lịch như một sinh kế mới mẻ và đầy hứa hẹn.
Theo phản ánh một số đơn vị làm du lịch đã từng đưa “Cà phê tour” vào “thực đơn” của mình thì khả năng và tâm huyết đầu tư, liên kết với người trồng cà phê nhằm tạo ra sự bền vững cho sản phẩm du lịch này đã mất cơ hội, do không gian sống và cũng là không gian văn hóa của cư dân tại các vùng cà phê đã thay đổi.
Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch thừa nhận, từ những yếu tố bất lợi đó đã khiến mối liên kết, hợp tác giữa người nông dân và doanh nghiệp có ý tưởng xây dựng và thực hiện tour du lịch cà phê gặp rất nhiều trở ngại. Vì thế cả hai phía (doanh nghiệp và người nông dân) rất mong Nhà nước có chủ trương, giải pháp nhằm hướng đến sự ổn định, bền vững cho ngành cà phê, nhất là những nông hộ trực tiếp sản xuất mặt hàng chiến lược này.
Yếu tố bền vững ở đây không chỉ là vấn đề chất lượng, vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, mà còn phải tạo ra nét khác biệt cho cư dân trồng cà phê; để khi nhìn vào đó, bất cứ ai cũng nhận ra đời sống sinh hoạt, sản xuất và hưởng thụ của “dân cà phê” có những đặc tính khác biệt, không giống như những vùng miền khác. Chính sự khác biệt ấy là nền tảng quan trọng để hướng tới xác lập giá trị văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển du lịch nói chung, trong đó có sản phẩm du lịch đặc thù - Du lịch cà phê.
Theo ông Lê Văn Đức, rõ ràng “nút thắt” khiến tour du lịch cà phê trong nhiều năm qua không thể trở thành sản phẩm du lịch có thế mạnh chính là đời sống sản xuất, không gian sinh hoạt gắn với tâm tư, tình cảm của cộng đồng làm cà phê chưa được xác lập rõ nét như yếu tố văn hóa đại diện vùng miền, đủ sức khơi gợi và lan tỏa để tham gia vào hoạt động du lịch.
“Nút thắt” này cần phải được tháo gỡ bằng sự nỗ lực của Nhà nước - doanh nghiệp - người trồng cà phê thông qua chính sách, giải pháp nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho ngành cà phê đã được chính quyền địa phương thực thi nhiều năm qua.
Trong đó quan trọng nhất là phải chú trọng hơn đến yếu tố đặc thù và bền vững như đã nêu, giúp hàng vạn nông hộ trên địa bàn Đắk Lắk vừa sống được với loại cây trồng này, đồng thời vừa liên kết, tham gia làm du lịch dựa trên nền tảng đời sống sản xuất, sinh hoạt rất riêng và có bản sắc nhằm hấp dẫn mọi người khi đến với vùng đất được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê” Việt Nam.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc