Multimedia Đọc Báo in

Chư Mom Ray - Vườn di sản Asean

09:59, 26/07/2022

Với sự đa dạng sinh học cao và nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, năm 2004, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Và với quan điểm bảo tồn và phát triển, Vườn Di sản đang được khai thác tiềm năng du lịch để có điều kiện bảo vệ tốt hơn sự đa dạng sinh học nơi đây.

Mắt thấy tai nghe thiên nhiên kỳ thú

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, tôi xách máy ảnh từ làng Ba Rgook, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cùng với một cán bộ Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tiến về hướng khu Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật (gọi tắt là Trung tâm) của Vườn để vào sâu trong rừng.

Mùa mưa, cây cối trong rừng Chư Mom Ray no nước, cành lá sum sê. Vừa vào rừng khoảng vài trăm mét, tôi nghe nhiều loại chim rừng bay nhảy, ca hót líu lo như thể đang chào đón khách quý. Rồi trái cây rừng rơi rụng lộp độp dọc lối đi do một loài két ăn hạt nhả vỏ quả xuống như thể chúng đang tung hứng, chơi đùa với khách. Gần khu vực thác Khỉ trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tiếng khỉ, vượn hú gọi bầy vang vọng. Dọc theo lối đi vào thác Khỉ, nhiều cây sa nhân, chôm chôm rừng, xoài, dâu đất rừng… đang cho quả.

Đường đến thác Khỉ.

Anh Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm cho hay, con đường nhỏ mở lối vào thác Khỉ này do Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đầu tư cho khách tham quan, nghiên cứu khoa học. Thác Khỉ là do người dân trong vùng đặt tên vì khu vực này có nhiều khỉ, vượn về ăn trái cây, uống nước nô đùa quanh thác. Từ cách gọi lâu ngày thành quen, do đó Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đặt tên luôn là thác Khỉ.

Ngay khu vực gần thác Khỉ, có nhiều cây rừng to mấy người ôm không xuể. Từng đến thác Khỉ nhiều lần, nhưng mỗi lần đến đây, tôi không muốn trở ra vì không khí ở rừng trong lành, mát mẻ. Thác cao và đẹp, xung quanh cây cối bao phủ. Nước từ trên cao tung bọt xuống trắng xóa, được ví như làn tóc tiên.

Trong một lần chinh phục đỉnh Chư Mom Ray, tôi cũng từng chứng kiến nhiều hệ sinh thái khác nhau trong rừng và may mắn gặp chim hồng hoàng (một loài chim quý hiếm) lượn lờ trên đỉnh Chư Mom Ray. Hay lần tham quan thác Bảy Tầng, một phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, khi nghỉ trưa ở Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ya Tri, tôi đã được cán bộ, nhân viên ở đây đãi một bữa cơm rừng với cá lóc suối đá. Cá lóc suối đá trong rừng, con lớn chỉ bằng ngón tay cái người lớn, nấu canh măng rừng ngon hiếm thấy. 

Ngay tại khu vực gần Trung tâm, nhiều năm về trước, tôi cũng từng thấy bò tót. Có thời điểm, bò tót từ Vườn Quốc gia Chư Mom Ray kéo từng đàn ăn cỏ trên đồi Sạc Ly, gần khu vực đồng cỏ Ya Book – bãi thú trong rừng. Các cán bộ trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray nhiều người từng gặp bò tót, dấu chân hổ và nhiều loài động thực vật quý hiếm khác.

Tạo nguồn lực để bảo tồn di sản thiên nhiên ASEAN

Theo ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Vườn Di sản ASEAN có diện tích tự nhiên 56.257,16 ha, trong đó có 56.249,23 ha rừng nằm trên địa bàn các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mô Rai, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan (huyện Ngọc Hồi). Kết quả điều tra, về thực vật đã thống kê được ở Chư Mom Ray có 1.895 loài (có 80 loài quý, hiếm), thuộc 184 họ và 877 chi. Các loài thực vật quý hiếm như kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai…

Về động vật, Chư Mom Ray đã thống kê được 950 loài, thuộc 44 bộ, 155 họ và 610 chi. Trong đó, 120 loài thú, 290 loài chim, 42 loài bò sát, 25 loài lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, 365 loài côn trùng (bướm). Đặc biệt, Chư Mom Ray có 86 loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Các loài động vật quý hiếm có: bò tót, bò rừng, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, voọc chà vá... Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, có thể còn có bò xám, nai cà tong và hươu vàng. Đây là những đối tượng được ưu tiên bảo tồn hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới.

Nơi bảo tồn các loài lan rừng tại Trung tâm CHBT&PTSV.

Qua nhiều năm nghiên cứu, các cán bộ, nhân viên trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray còn phát hiện nhiều loài cá cổ ở sông, suối trong rừng có hình thù kỳ lạ. Các cán bộ, nhân viên ở đây không ai biết các loài cá cổ này có tên gì. Ngay cả đồng bào dân tộc thiểu số ở gần Vườn cũng không biết tên các loài cá cổ này, bà con chỉ gọi chung là cá lạ.

Đặc biệt, đồng bào Rơ Mâm, Gia Rai ở xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) sống gần Vườn Quốc gia Chư Mom Ray còn kể những câu chuyện kỳ bí về người rừng thấp lùn, ăn đọt mây rừng... Cán bộ và nhân viên trong Vườn tuy chưa ai thấy người rừng, nhưng khi đi trong rừng, nhiều cán bộ thấy dấu tích những đọt mây rừng bị tước vỏ, lấy ngọn. “Các dấu tích lấy đọt mây này khác xa với việc con người dùng dao rựa chặt hay các loài thú khác ăn đọt mây”- ông Hồ Đắc Thanh, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray từng khẳng định vậy. 

Bò tót tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.

Không thể nói hết sự đa dạng sinh học, dưới góc độ bảo tồn, trong những năm qua, Trung tâm đã trồng, bảo vệ, di thực nhiều loại thực vật quý hiếm như trắc, cẩm lai, gõ mật... để bảo tồn đa dạng sinh học và phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu khoa học. Trung tâm cũng cứu hộ nhiều loại động vật hoang dã như gấu, khỉ, vượn, tê tê, rùa, kỳ đà... do người dân và các cơ quan chức năng giao nộp; đồng thời sưu tập, chuyển vị, lưu giữ, chăm sóc, bảo tồn 137 loài lan rừng với hơn 2.600 giá thể lan rừng.

Với quan điểm làm du lịch để bảo tồn và phát triển, khu vực đồng cỏ Ya Book rộng hơn 9.600 ha trong Vườn, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật cùng với nhiều thắng cảnh, nhất là các thác nước tự nhiên, đỉnh cao Chư Mom Ray trong rừng được đặt ra trong Đề án “Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2021 - 2030”. Đề án này đã trình lên UBND tỉnh Kon Tum xem xét. 

Nếu đề án này được phê duyệt, tỉnh Kon Tum sẽ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; tôn tạo và duy trì các hoạt động văn hóa, tâm linh truyền thống; duy trì các giá trị dịch vụ hệ sinh thái; khai thác tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh thắng, lịch sử gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho một bộ phận người dân sống gần rừng cũng như tạo ra nguồn thu bền vững hơn trong việc bảo vệ Di sản thiên nhiên ASEAN.

Văn Nhiên


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.