Multimedia Đọc Báo in

Theo tiếng gọi Pa Sỹ

09:13, 17/07/2022

Đến Kon Tum đúng ngày tiết trời nắng gắt, tôi được anh bạn đồng nghiệp gợi ý đến ngọn thác có tên rất đặc biệt - Pa Sỹ (nằm ở trung tâm Khu du lịch sinh thái  văn hóa thác Pa Sỹ, thuộc huyện Kon Plông, phía đông nam tỉnh Kon Tum) để "giải nhiệt".

Gần một giờ di chuyển qua hơn 60 km từ trung tâm thành phố Kon Tum đến huyện Kon Plông, tôi đã chạm chân đến thác Pa Sỹ. Từ xa, tiếng thác đổ ầm ào như mời gọi, thúc giục bước chân du khách. Thế nhưng, để tận mắt thấy tuyệt phẩm của tạo hóa, tôi phải xuyên rừng chinh phục hàng trăm bậc thang đá gập ghềnh, bám đầy rong rêu. Thận trọng, bám theo dãy lan can gỗ dẫn xuống chân thác, trước mắt tôi là dòng thác cao khoảng 40 m đang tung bọt trắng xóa tạo thành làn sương mát rượi xua tan cái nóng hầm hập cho những người mới đặt chân đến.

Thác Pa Sỹ ẩn mình trong khu rừng nguyên sinh.

Dưới chân thác, rất đông du khách phương xa dừng chân chiêm ngưỡng, chụp ảnh, mấy em nhỏ thích thú vui lội giữa dòng nước mát lạnh. Quanh ngọn thác, nhiều cây cổ thụ có đường kính vài người ôm không xuể. Chủ khu du lịch bố trí vài chiếc bàn nhỏ xinh dưới tán cây cho du khách nghỉ ngơi. Giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, nhiều vị khách thảnh thơi nhâm nhi ly cà phê đại ngàn. Dường như họ cũng như tôi, tạm gác mọi công việc, lo toan của cuộc sống để trở về thiên nhiên, tận hưởng những giây phút yên bình đúng nghĩa.

Nghe tôi tò mò về cái tên đặc biệt của ngọn thác, anh bạn đồng nghiệp liền giải nghĩa Pa Sỹ là tên do người Kinh đọc chệch đi từ tên gốc Pau Suh của đồng bào bản địa. Pau Suh nghĩa là ba nguồn suối chụm lại một dòng. Tên thác gắn với truyền thuyết “Bảy hồ, ba thác” của người Mơ Nâm - một nhánh của dân tộc Xê Đăng sinh sống ở phía đông dãy Trường Sơn. Theo những câu chuyện truyền miệng của đồng bào Mơ Nâm, xưa kia người dân trong vùng phạm phải luật cấm của trời nên 7 ngôi làng bị chìm trong hố lửa rồi biến thành 7 hồ nước và 3 thác nước. Trong 3 ngọn thác thì Pa Sỹ là ngọn thác lớn nhất của vùng đất này, được tạo thành từ 3 ngọn suối lớn nên có tên Pau Suh. Ngọn thác này nằm ở độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển nên quanh năm mát mẻ, được đưa vào khai thác du lịch, tạo thành điểm nhấn cho huyện Kon Plông.

Ẩm thực truyền thống hấp dẫn khách du lịch.

Thác Pa Sỹ đẹp nhất vào những tháng mùa mưa, nước trong các khe suối đổ về rất nhiều, hòa thành dòng nước mạnh cho ngọn thác tuôn đổ ầm ào, tạo thành âm thanh vang vọng khắp núi rừng. Không chỉ ấn tượng với ngọn thác đặc biệt của đại ngàn Tây Nguyên, điều khiến tôi nhớ mãi cho chuyến trải nghiệm này chính là ẩm thực bản địa rất đặc biệt. Tôi đã được thưởng thức món cơm lam gà nướng ở nhiều khu du lịch nổi tiếng của các tỉnh Tây Nguyên, song món ăn này ở đây có hương vị rất đặc trưng. Cơm lam được nấu trong ống lồ ô khá nhỏ nhưng dài. Thứ gạo nấu cơm có màu sẫm, độ dẻo vừa lại dậy mùi thơm như gạo nếp. Đặc biệt, người nấu cho thêm nước dừa cùng chút hành phi khiến cơm lam thêm hấp dẫn. Công thức chế biến món gà nướng cũng riêng biệt. Ngoài tẩm ướp các loại gia vị, bên trong gà còn cho thêm một loại lá rừng nướng cùng nên tạo được vị ngọt, thơm rất riêng. Đặc biệt, các món ăn đều nóng hổi nên khách phải đặt trước khoảng 30 phút. Giá cả các món ăn, thức uống khá hợp lý, được niêm yết công khai.

Trời trở về chiều, tôi phải chia tay Pa Sỹ. Hình ảnh dòng thác tung bọt trắng, cánh rừng nguyên sinh với vô số loài cây to nhỏ, hay những món ăn đậm chất bản địa cứ xâm chiếm tâm trí tôi. Bảng lảng trong mây chiều, lời bài hát Bản tình ca Măng Đen lại vang lên : “Em trao cánh phong lan, nhủ anh về xứ nớ, xa nhau nhớ một chiều gặp gỡ giữa đồi thông, anh ơi cánh phong lan, yêu rừng thông như em đó. Anh trả lời em: Anh ở lại Măng Đen, anh chẳng về đâu, anh ở lại với em…”

Cẩm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.