“Ngụ ngôn hoa” trên cao nguyên đá...
Mỗi lần trở lại Hà Giang, trong tâm trí tôi lại đồng vọng mấy câu thơ của Chế Lan Viên: “Đời vào tuổi năm mươi/ Mong gì hương sắc lạ/ Mọc chùm hoa trên đá/ Mùa xuân đâu chịu lùi”.
Cái tứ thơ “hoa trên đá” trong bài thơ đề tựa cho tập thơ “Hoa trên đá” hoàn toàn mang nghĩa bóng, mang rất rõ tinh thần thơ của Chế Lan Viên; còn ở Hà Giang, hoa trên đá lại hoàn toàn là nghĩa đen. Hoa ở đây mọc trên đá, mà lại là đá tai mèo, lại nở đúng vào mùa giá rét căm căm, dường như hoa nở như một thách thức, như một thông điệp. Không kỳ diệu sao được khi Hà Giang có mùa khô khát bởi nắng nung như nứt từng khối núi, sương giá buốt vỡ cả sắc đá xám, vậy mà ở cái miền đất ấy, hoa lại nối nhau, mùa nối mùa, quyến rũ và tinh khôi. Và trong ý nghĩa đó, hoa là một ngụ ngôn về đất và người nơi biên ải cực Bắc Tổ quốc thân yêu...
Ngược đường ngược núi để yêu thương
Từ nhiều năm nay (trừ hai năm rồi do dịch COVID-19) còn thì cứ mỗi lần Hà Giang tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch tôi đều có mặt ở Hà Giang trước ngày khai hội. Làm sao có thể hình dung được ở cái miền biên viễn thâm sơn cùng cốc ấy cũng… tắc đường như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh!
Những thị trấn biên ải với mươi nhà khách, khách sạn mini làm sao đủ chứa được cả chục nghìn người lên đây, thế mà bất chấp, không có khách sạn thì ngủ lều, trọ nhà dân (homestay), hay thức cho qua đêm… Và rồi, du khách, nhất là những bạn trẻ cứ thế tìm lên, đôi khi tôi nghĩ mùa hoa chỉ là cái cớ, lớn hơn thế, đó là tình yêu với biên cương, với chủ quyền Tổ quốc mới là hấp lực kéo những bước chân tuổi trẻ lên với chốn này. Nếu theo thứ tự thời gian, kể về những mùa hoa sẽ bắt đầu bằng mùa xuân, nhưng với Hà Giang, mùa hoa khởi đầu nên nói về loài hoa mùa đông, bởi trong câu chuyện của loài hoa mùa đông có ẩn tàng ngụ ngôn về đời dân biên ải!
Hoa như những tấm khăn lụa choàng lấy những bờ vai núi đá. |
Những ngày xuôi ngược trên cung đường 4C, trong se lạnh của đất trời, trong giá buốt từ hơi đá núi, tôi chợt nhận ra cái vẻ đẹp kỳ diệu của tam giác mạch: Trong khi những loài hoa khác, như hoa đào với dáng vẻ gân guốc can trường nở đón mùa xuân, như hoa gạo bập bùng đỏ lửa đón mùa hạ… thì tam giác mạch là loài hoa dám nở để đón mùa đông, mà lại là mùa đông trên cao nguyên đá. Loài hoa thân cành mảnh mai nhất, sắc hoa dịu dàng nhất, dáng vẻ “liễu yếu đào tơ” mềm mại nhất lại dám hiên ngang nở đón… giá rét mùa đông như những cư dân miền phên dậu chọn cao nguyên đá trập trùng khắc nghiệt để sinh tồn! Chỉ chừng ấy thôi đủ cho ta hiểu vì sao Hà Giang chọn loài hoa này để tổ chức lễ hội.
Và loài hoa đang thành biểu tượng này cũng mang một thân phận như đời dân nơi đây. Sau mùa thu hoạch lúa nương hoặc ngô vào tháng 7, tháng 8, thay vì đợi đến mùa gieo trồng năm sau, dân trên cao nguyên đá đã trồng tam giác mạch để lấy rau chăn nuôi. Gieo hoa dày kín rồi cứ thế tỉa rau thưa dần trong đám ruộng, những cây tam giác mạch còn lại trên nương khi thân đã già, không thể dùng làm rau được sẽ bắt đầu trổ hoa. Một bông hoa bé li ti với những cánh hoa màu hồng phớt tím hay phớt trắng có hình tam giác chụm lại như chóp nón, ôm ấp giữa tim hoa một hạt mạch. Nhưng cả triệu cành hoa như thế kết lại thành những thảm hoa rập rờn trước gió, những đám ruộng bậc thang, những vuông đất chen chúc giữa ma trận đá, ven trục đường xuyên cao nguyên, mùa tam giác mạch xóa đi vẻ u xám mùa đông ngự trên những bạt ngàn đá, đá và đá, màu hoa làm ấm ánh mắt nhìn của lữ khách. Sau bao nhiêu thế kỷ an phận như một loài cây dặm vá vào vụ đông, thân làm rau, hạt làm bột, thế rồi một ngày đẹp trời thiên hạ ngỡ ngàng nhận ra loài hoa ấy thật ra là một nàng Lọ Lem trong cổ tích đợi ngày lột xác thành công chúa. Có nhìn những hình ảnh hoa tam giác mạch được chụp bằng flycam mới thấy hết sức quyến rũ của hoa. Từng tấm thảm rực rỡ mà dịu dàng dệt bằng một hòa sắc của tam giác mạch hồng, phớt tím, trắng… như những dải khăn lụa là quàng lên những bờ vai đá núi can trường và kiêu hãnh!
Bản hòa sắc hòa âm của hoa biên ải được nối tiếp, như một cuộc chạy tiếp sức. Sau mùa tam giác mạch là tiếp nối mùa hoa cải vàng. Màu hoa cải thay vào ruộng tam giác mạch vừa thu hoạch, cải vàng, cải trắng rập rờn trong giá buốt đã mê hoặc những chàng trai, cô gái vượt hàng trăm cây số đường núi để có những tấm hình giữa ruộng hoa. Khi những nương cải vàng trổ ngồng thì bản hòa tấu hoa biên ải cũng bắc cầu sang màu trắng của hoa mận nở tưng bừng vào những tuần áp Tết. Hoa mận trắng tinh khôi như một hẹn thề đêm trước của mùa xuân, để rồi sau đó chuyển giao “sứ mệnh hoa” cho hoa đào thắm sắc nguyên đán.
Các bạn trẻ bên ruộng hoa tam giác mạch. |
Hoa nối mùa nhắc nhớ…
Đi trên cung đường của cao nguyên đá này độ xuân về, du khách sẽ mê đắm miên man trong sắc hoa đào hồng rực. Không mọc thành vườn, không trồng thành làng, đào ở cao nguyên đá mọc bất tận ở bất cứ chỗ nào nó có thể cắm xuống. Bên bờ rào đá, nghiêng nghiêng dưới nếp nhà lợp gỗ pơ mu, góc sân, ven vệ đường, giữa lưng chừng núi, bên góc ruộng bậc thang, cứ như thể hoa đào là một loài cây dại hơn là một loài hoa mà người miền xuôi vốn nâng niu chăm bẵm. Và cho dù mọc ven đường hay góc ruộng, lẫn giữa mái đá hay thấp thoáng bên hè nhà, những cây đào của cao nguyên đá đều giống nhau ở những thân cành gân guốc, cứng cáp vừa kiêu hãnh, vừa thách thức. Giữa trùng trùng đá đen xám nhuốm màu kiêu bạc, vẻ đẹp của những cây đào hồng rực sắc hoa dọc cung đường Hạnh Phúc trở thành một vẻ đẹp rất riêng của miền cực bắc. Tháng 2 dương lịch thường là tháng Giêng lịch ta, những cành đào rực rỡ trên những cung dường biên ải nhắc nhớ một mùa hoa đào từng mờ trong khói súng.
Trên cung đường này còn có một mùa hoa khác, không đủ mênh mang nhưng những ai yêu mến Hà Giang rất khó quên, đấy là mua hoa cúc dại. Trên những vách đá chênh vênh dọc theo tuyến đường, không hiểu bám víu vào đâu, những đóa cúc dại cũng nở vàng thành thảm, vừa dân dã vừa can trường. Không ít khách lên đây chỉ vì quá mê những thảm hoa dại chênh vênh trên vách đá ven đường ấy!
Sau mùa hoa đào tháng giêng, tháng hai, biên ải bước vào mùa hoa gạo tháng ba. Hoa gạo, cái loài hoa gợi âm vang của châu thổ sông Hồng không ngờ lại mọc rất nhiều dọc những triền núi của Hà Giang. Nếu hoa gạo ở đồng bằng sông Hồng màu đỏ đằm thắm thì màu hoa gạo ở Hà Giang lại rừng rực đỏ. Có lẽ hoa ở đây chắt chiu nguồn sống từ đá, khác với những cây gạo đồng bằng hấp thu phong nẫm phù sa, hoa gạo biên cương bền gan cùng đá nên sắc hoa thắm đến lạ kỳ! Mà cũng có thể màu hoa đỏ đến thế không chỉ vì nỗi nhọc nhằn đời hoa trên đá, hoa rực đỏ còn vì biên cương bao đời thắm máu của những người ngã xuống để gìn giữ chủ quyền Tổ quốc, giữ gìn từng tấc núi tấc sông như di huấn tiền nhân, có máu của nghìn năm thấm vào đá để rồi thắm hiện trên sắc hoa như một tín niệm, nhắc nhở cùng hiện tại, nhắn nhủ tới tương lai?
Mùa hoa gạo vừa trút cánh đỏ vào cuối tháng tư, bước vào tháng năm ngô bắt đầu vươn xanh trong các hốc đá tai mèo, mùa hoa ngô chưa kịp tàn, lúa bắt đầu chín trên những thửa ruộng bậc thang chênh vênh. Và những nương ngô “treo đèn” cũng mang một vẻ đẹp riêng có. Chắc nhiều người lạ với cách gọi “ngô treo đèn”, thật ra trên chập chùng đá, người Mông không làm sân phơi, mùa thu hoạch, cây ngô được cắt phần ngọn tính từ bắp ngô, để ngô khô hẳn trên nương rồi sau đó mới bẻ mang về đưa thẳng vào kho. Cây ngô cứu tinh bao đời với nồi mèn mén, giờ đây những người dân rẻo cao bắt đầu có thêm hy vọng từ những mùa hoa tiếp nối sau vụ ngô.
Hoa trên đá chính là những người dân bằng chính cả cuộc đời mình trấn ải phên dậu, gìn giữ chủ quyền, mỗi ngày, như những bông hoa nối mùa, kiêu hãnh trên ngàn đá núi và trong giá rét.
Lê Đức Dục
Ý kiến bạn đọc