Multimedia Đọc Báo in

Những cung đường chỉ có trên Cao nguyên đá

10:07, 15/04/2013

Nói đến Cao nguyên đá ở Hà Giang, nhiều người sẽ nhắc đến những cung đường khá đặc biệt. Đặc biệt không chỉ bởi sự khó khăn, nhọc nhằn của những khúc cua, những dốc dài lên đến cổng trời mà còn bởi những cung đường có lẽ chỉ có ở Cao nguyên đá... Tất cả đã góp phần tạo nên một vẻ đẹp ngọt ngào của vùng đất khó khăn bậc nhất cả nước này...

Dốc Bắc Sum bắt đầu từ xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) lên xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) được nhiều người ví như “đèo Pha Đin của Hà Giang”. Con đường ngoằn ngoèo như rắn uốn khúc đưa ta đến một miền đất đặc biệt của Hà Giang, vùng đá với khí hậu khác biệt, lạnh hơn dù chỉ cách nhau vài cây số. Từ đây nhìn xuống phía dưới là một con đường nhỏ uốn lượn, lúc thì trong mây, lúc trong nắng. Có không ít người đi ô tô, xe máy lên với Cao nguyên đá vào buổi tối, hôm sau về vào buổi sáng, đi đến đoạn dốc này phải đổi lái và không khỏi sững sờ vì tại sao tối qua mình lại vượt được đoạn dốc hoành tráng này! Đoạn dốc dài vài cây số này không biết đã làm tốn biết bao công sức của những chuyến xe nhọc nhằn nối đuôi nhau, vượt qua độ cao để tiếp sức cho sự phát triển của Cao nguyên đá.

Qua dốc Bắc Sum, con đường vắt núi đá ở đầu thị trấn Tam Sơn hướng con mắt du khách vào cặp núi đầy gợi cảm. Chẳng cần phải viết thêm 2 chữ “Núi Đôi” ở dưới chân cặp núi này mọi người cũng đều biết đó là Núi Đôi rồi. Từ đoạn đường này, không biết bao nhiêu tay lái đã loạng choạng vì mải đuổi theo suy tưởng: sao thiên nhiên lại căng tròn đến vậy. Lúc mùa lúa xanh, chín, thung lũng Tam Sơn bồng bềnh trong màu xanh, vàng tô điểm thêm đôi núi thần tiên càng trở nên ngọt ngào, quyến rũ. Lúc mùa khói sương thu tàn, đông đến, bồng bềnh đôi núi ẩn hiện khiến du khách nao lòng. Qua 4 mùa, từ đoạn đường như dải lụa vắt qua núi này, người ta có thể “bắt mạch” cho sức khỏe của Cô Tiên bởi sự thay đổi sắc mầu hiện ra từ 2 trái... cấm được xâm phạm này. Từ một vệt đường vắt qua núi, đã tạo ra điểm ngắm để lại vô vàn cảm xúc.

Tạm biệt một thị trấn để lại nhiều nỗi nhớ, đoạn đường từ Cán Tỷ đi trên bờ sông Miện lỗ chỗ những vết “thiên thạch” đâm thủng. Xin được gọi như vậy bởi đoạn đường này rất nhiều lần bị đá mồ côi lăn từ trên những lưng núi xuống, đâm thủng cả một đoạn đường đá rải nhựa khá dài. Nói về đá mồ côi, là loại đá khá phổ biến ở Cao nguyên đá; có lẽ ở Cán Tỷ, ta có thể dễ dàng thấy và cảm nhận tại sao người ta lại gọi đá mồ côi, một loại đá không hề có tên trong danh sách các loại đá của các nhà khoa học nghiên cứu về địa chất. Những viên đá, hòn đá ẩn mình trong đất, bị thời gian gọt rũa và dần dần trơ chân, đá không còn nơi ẩn náu và phải buông mình, phiêu lưu để tìm cuộc sống mới. Vì thế, người ta mới gọi đó là đá mồ côi.  Đi trên đoạn đường từ xã Na Khê đến xã Lao Và Chải của huyện Yên Minh dài hơn chục cây số vào buổi chiều khiến cho bất kỳ ai đều nhớ đến bài hát “Chiều biên giới”. Vi vu giữa gió chiều, những rặng thông rì rào trải dài theo chiều biên cương khiến cho ta một cảm giác thật cô liêu vời vợi. Biên giới xanh bâng khuâng càng làm cho quãng đường này trở nên bám sâu vào nỗi nhớ của những ai nhiều lần qua đây. Có lẽ dọc miền Cao nguyên đá, tuyến đường Na Khê – Lao Và Chải là tuyến đường mang màu sắc biên cương nhiều nhất. Đi dọc tuyến đường này, những nốt nhạc và hình ảnh cứ vẽ lên bập bùng như lời bài hát “Chiều biên giới” “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn..., chiều biên giới khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mù tỏa ngát hương bay...”.

Qua “Chiều biên giới”, có những mùa xuân nơi dốc 9 khoanh ở Đồng Văn. Như câu chuyện tình mà một tác giả nào đó từng ví, khoanh thứ nhất ta gặp nhau, khoanh thứ hai..., khoanh thứ ba... đến khoanh thứ 9 thì kết thành đôi lứa. Dốc 9 khoanh khiến người mỏi gối, ngựa chùn chân, nhưng giữa mùa xuân, thanh niên nam nữ cứ hừng hực đi qua cái dốc “lên trời” này để tìm nhau. Hình như cứ đi cùng nhau từ khoanh thứ nhất đến khoanh cuối cùng thì nam, nữ đều thành duyên thì phải!? Sau ly cà phê nóng ở Phố Cổ Đồng Văn, dải lụa đá hơn 20 cây số vắt qua “sống mũi ngựa” Mã Pì Lèng của xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc) khiến cho Cao nguyên đá trở nên kỳ vĩ hơn. Chinh phục cái “đại hùng quan” này, từ thời Pháp thuộc, đã có con đường ngựa với đường dây thông tin chen trong lau lách rậm rạp. Nhưng kỳ công lớn nhất thuộc về thế hệ thanh niên những năm 60 của thế kỷ trước. Con đường treo những trái tim quả cảm giữa vách đá cheo leo trên một hẻm vực sâu đến 800m, hẻm vực sâu nhất của cả nước. Từ đó, Mã Pì Lèng không chỉ là một “đại hùng quan”, mà còn là một tinh thần đầy khí chất cộng sản của lớp thanh niên ngày trước.

Vẽ trên đá, cua “M” ở Yên Minh quá độc đáo và tự nhiên. Chẳng ai cố tình vẽ chữ M giữa miền đá đã đầy khắc khổ. Nhưng nó cứ tự nhiên hình thành giữa lởm chởm đá xám. Sống giữa đá, có lẽ con người ta cũng cần phải biết kiềm chế, lượn vòng như cua M để tránh những vất vả và để tìm thấy những niềm hạnh phúc. Con đường hình chữ M cũng như bao nhiêu con đường chỉ có trên Cao nguyên đá, dù còn trăm nỗi nhọc nhằn, nhưng những con đường ấy đang hướng đến một cuộc sống mới, một cuộc sống tươi đẹp, muôn màu ở Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

(Theo HG)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.