Du lịch buôn trong phố
Với niềm đam mê khám phá các vùng miền, những buôn làng ở phố núi Ban Mê ôm ấp, sở hữu nhiều nét đẹp bình dị cùng bản sắc văn hóa độc đáo, rất đáng để bạn đi và trải nghiệm...
Trải nghiệm nhiều nét đẹp văn hóa
Buôn Tơng Jú thuộc xã Ea Kao chỉ cách trung tâm thành phố hơn chục cây số. Tơng Jú đúng nghĩa buôn trong phố với hơn 480 hộ dân sinh sống, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc Êđê. Điều thú vị là ở chỗ, nhiều gia đình nơi đây cùng liên kết với nhau để làm du lịch. Trẻ cũng như già, nam cũng như nữ, rất nhiều người được đào tạo nghề, có kiến thức chuyên sâu về văn hóa truyền thống để phục vụ du khách. Nhờ đó, không gian văn hóa cồng chiêng hiện hữu ở nhiều nếp nhà, rất nhiều người mẹ, người chị biết dệt vải truyền thống, nấu các món đặc sản địa phương để quảng bá rộng rãi hơn nét đẹp ẩm thực vốn có của buôn. Có đa dạng lợi thế, tiềm năng nên du lịch cộng đồng nơi đây càng bộc lộ rõ nét, hấp dẫn hơn với nhiều trải nghiệm: làm nông dân, dệt thổ cẩm, tạc tượng dân gian, giao lưu văn hóa cồng chiêng, thưởng thức ẩm thực đồng bào...
Con đường bích họa làm đẹp thêm cho không gian du lịch ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao. |
Trong các buôn làng của TP. Buôn Ma Thuột, Kmrơng Prông B (xã Ea Tu) khá đặc biệt khi nơi đây được bao bọc bởi sắc xanh của khu rừng đầu nguồn. Với diện tích gần 1 ha, cánh rừng già không chỉ giúp khí hậu buôn làng thêm tươi mát, thanh bình, rừng còn giữ cho mạch nguồn bến nước luôn dạt dào, phục vụ sinh hoạt của gần 300 hộ gia đình. Về Kmrơng Prông B như về với bình yên, nhất là khi chứng kiến những sáng chiều, các Amí xuống bến gùi dòng nước mát để đem đến sự ngọt lành trong những bữa ăn gia đình. Cũng bởi trân quý giá trị truyền thống này mà hằng năm, bà con đều làm lễ cúng bến nước và nhắc nhở nhau chung sức giữ gìn…
Trước nhịp sống xô bồ, hiện đại, ở TP. Buôn Ma Thuột, vẫn còn không ít buôn làng vẫn giữ được dáng dấp cho riêng mình. Akô Dhông (phường Tân Lợi) là một buôn làng như thế, dù nằm ngay phố thị ồn ào, nhưng vẫn luôn mang một vẻ đẹp êm đềm, bình yên với nét đặc trưng là 30 ngôi nhà dài tạo thành những nếp cửa thân thiện nối liền rộn ràng đón khách. Bắt nhịp xu hướng du lịch, bà con đã biết xây dựng những cơ sở lưu trú khang trang, chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, nét đẹp của những mái nhà dài, hàng nghìn hiện vật lâu đời như ché rượu cổ, ghế kpan, chiêng, trống, gùi, dụng cụ lao động sản xuất… vẫn được nhiều gia đình tiếp tục gìn giữ, phát huy, góp phần cho ngành du lịch địa phương thêm đậm đà bản sắc.
Chậm lại và cảm nhận
Ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu), những năm gần đây có một điểm du lịch luôn được khách yêu mến, đó là Bảo tàng & Homestay Ama H’Mai. Đặt chân đến nơi này, nhiều người ấn tượng với dòng chữ in đậm trên bức tường nhà dài: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”. Đây là câu nói để đời của một nhà dân tộc học người Pháp là Jacques Dournes khi tìm hiểu về nét đẹp văn hóa ở Tây Nguyên. Trích dẫn kinh điển ấy cũng là tâm tư, mong muốn và nhắn nhủ của ông chủ Mẫn Phong Sơn mỗi khi đón khách đến tham quan.
Những hiện vật mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc tại buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi. |
Ông chủ Bảo tàng, người lưu giữ khoảng 1.000 hiện vật lâu đời của đồng bào các dân tộc sinh sống tại các tỉnh Tây Nguyên – Mẫn Phong Sơn từng nói: “Nếu bạn chỉ có ít phút đến đây để chụp hình hay thoáng qua văn hóa các dân tộc, bạn sẽ cho rằng, chẳng có gì thú vị và bạn thật khó để hiểu hết nét đẹp của đất và người Tây Nguyên”. Quả thật, chỉ riêng ở Bảo tàng rộng hơn 1.000 m2, mỗi hiện vật được trưng bày đã mang một câu chuyện riêng mình, không lẫn vào đâu được. Ở Bảo tàng đầy tâm huyết này, ông Mẫn Phong Sơn còn sưu tập và dành riêng một khu thư viện với hàng trăm cuốn sách cổ chuyên nghiên cứu, tìm hiểu về luật tục, đời sống đồng bào các dân tộc.
Biến nét đẹp văn hóa dân tộc thành lợi thế để phát triển kinh tế, du lịch, hơn 20 năm qua, bà H’Yam Bkrông ở buôn Tơng Jú (xã Ea Kao) đã thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, tạo công ăn việc làm cho 45 thành viên nữ. Góp phần đưa du lịch đi lên, những năm gần đây, gia đình bà còn xây dựng nhà dài, mở Homestay HNoh Ea Kao, tạo thêm việc làm cho người dân trong buôn, lan tỏa niềm tự hào văn hóa dân tộc của cộng đồng đến du khách.
Từ năm 2020 đến nay, Tơng Jú có thêm 4 ngôi nhà dài, nâng tổng số nhà dài toàn buôn lên con số 15. Du lịch cộng đồng cũng phát triển hơn với sự tham gia của 13 hộ. Biến văn hóa thành thế mạnh du lịch không chỉ giúp đồng bào có thêm sinh kế, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc.
Lắng lại, chậm hơn khi du lịch về buôn làng, sẽ nhận thấy rằng, có rất nhiều trái tim vẫn nóng bỏng, thao thức với việc gìn giữ nét đẹp đặc sắc của văn hóa dân tộc. Ví như tại buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), ngoài cảnh sắc đặc trưng, nơi đây còn có một ngôi nhà dài trưng bày khoảng 2.000 hiện vật quý giá do bà Lê Thị Lý làm chủ. Để có được kho báu này, người phụ nữ ấy đã từng dành cả tuổi trẻ của mình, đi khắp các buôn làng để tìm mua, sưu tập lại từng món đồ, trong đó giá trị nhất phải kể đến khoảng 500 chiếc chóe cổ. Kho hiện vật khủng ấy, đến nay, được gia đình bà xây dựng thành điểm tham quan miễn phí với mong muốn thế hệ mai sau và du khách gần xa hiểu biết hơn văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc