Multimedia Đọc Báo in

Một thoáng xứ người

08:48, 26/10/2022

Các cụ xưa dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả là chí lý. Tôi vừa có chuyến du lịch thú vị 5 ngày 4 đêm qua hai nước là Singapore và Malaysia.

Chuyến đi thú vị vì không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh sắc, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của hai quốc gia thuộc khối ASEAN mà còn được khám phá những điều mới mẻ (so với hiểu biết của chính mình) trong cuộc sống hiện tại ở xứ người.

Đường phố ở Singapore và Malaysia

Xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), sau gần một giờ rưỡi bay, đoàn du khách chúng tôi đã đặt chân xuống sân bay quốc tế Singapore Changi lúc xế trưa. Khi rời sân bay Changi vào trung tâm thành phố Singapore, tôi thực sự ngạc nhiên.

Đường phố ở Singapore thoáng vì mặt đường rộng rãi; thoáng vì không có cảnh nhà nhà nhô mặt phố; thoáng vì không có biển quảng cáo hàng quán thòi ra thụt vào. Nhiều tuyến phố không có vỉa hè, thay vào đó là hành lang trồng cỏ và cây xanh. Qua hành lang cây xanh mới đến lối đi rộng khoảng ba mét, có mái che, hình như là dành cho khách bộ hành?

Đường phố ở Singapore.

Điều khiến du khách thích thú là rất nhiều đoạn đường ở Singapore, xe như đi giữa rừng. Đảo quốc đất hẹp, người đông, vậy mà giữa chốn phố phường vẫn tồn tại những cánh rừng nho nhỏ khiến con người luôn cảm thấy gần gũi, chan hòa với thiên nhiên. Người Singapore tận dụng đất phố (hay là ưu tiên?) để trồng cây, tạo nên cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, làm giảm mật độ bê tông hóa của đô thị hiện đại.

So với TP. Hồ Chí Minh, diện tích Singapore chỉ nhỉnh hơn 1/3 nhưng dân số gần 6 triệu người. Mật độ dân số cực cao, hơn 8.000 người/km2 (xếp thứ hai thế giới). Người Singapore ở đâu mà đường phố thông thoáng thế?

Và câu trả lời có ngay, ở Singapore người ta đi lại chủ yếu bằng phương tiện công cộng. Và phần lớn phương tiện công cộng ấy không phô ra trên mặt đất. Đó là hệ thống tàu điện ngầm MRT (tốc độ cao) hiện đại nhất Đông Nam Á, bao phủ khắp thành phố với thiết kế khoa học, bài bản. Mỗi ngày mạng lưới xe điện ngầm này có tới 2 triệu lượt khách sử dụng trải khắp từ 6 giờ sáng cho tới tận nửa đêm với tần số 3- 8 phút/một chuyến.

Ở Malaysia, tuy lượng ô tô, xe máy tham gia giao thông nhiều hơn so với Singapore nhưng cũng không có cảnh đông nghịt, tắc nghẽn dù là ở thủ đô Kuala Lumpur hay thành phố mới Putrajaya. Cũng như Singapore, đường phố ở Malaysia rộng, thoáng, nhiều cây xanh. Nếu để ý, du khách có thể thấy điểm chung khá thú vị là trong suốt mấy ngày rong ruổi ở hai quốc gia này, du khách không hề bị “tra tấn” bởi tiếng còi xe.

Phố cổ ở MalaCca

Từ Singapore, vượt quãng đường dài khoảng 250 km, sau 5 giờ ngồi xe, bạn sẽ đến Malacca (còn có tên khác là Melaka), thành phố cổ xưa nhất của Malaysia, đồng thời là thủ phủ của tiểu bang Malacca. Dấu ấn về một thời vàng son từ 600 năm về trước vẫn còn hiện hữu bởi không gian cổ kính, tĩnh lặng. Malacca được ví như một bảo tàng lịch sử khổng lồ, nơi lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và văn hóa gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của đất nước Malaysia.

Điểm nhấn của Malacca là dòng sông nhỏ êm đềm vắt ngang, chia thành phố thành hai nửa Đông và Tây. Phía Đông của sông Malacca là những khu phố kiểu cũ châu Âu, rất đặc trưng bởi những ngôi nhà gỗ có từ thế kỷ 17 của giới quý tộc xưa và những ngôi nhà nhiều mái có cột đá chạm trổ cầu kỳ nằm giữa những vườn cây xanh mát. Phía Tây cũng là khu phổ cổ nhưng lại mang đậm dấu ấn của người Hoa. Họ đến đây định cư từ đầu thế kỷ 15 dưới thời Vương quốc Malacca.

Một góc quảng trường Đỏ.

Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến Malacca là cảm giác như đang ở một thành phố cổ nào đó bên trời Tây. Những công trình đậm chất châu Âu khoác áo đỏ sẫm nhuộm màu thời gian nơi Quảng trường Đỏ: nhà thờ cổ Christ theo phong cách Hà Lan được xây dựng từ năm 1753, tòa nhà Staddhuys nổi bật với những ô cửa màu trắng, đài phun nước với cột đá kiểu Anh màu sẫm được chạm khắc tinh vi, tháp đồng hồ, những con đường lát gạch đỏ rợp bóng cây, công viên nhỏ với chiếc cối xay gió nổi tiếng. Đi qua quảng trường này vượt lên ngọn đồi là đến pháo đài A’Famosa rêu phong cổ kính được người Bồ Đào Nha xây dựng vào năm 1511. Tại đây du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Malacca xinh đẹp.

Dường như cảnh sắc đó của Malacca từ năm sáu trăm năm cho tới nay vẫn thế, trơ gan cùng tuế nguyệt? Điều gì đã khiến một thành phố có lịch sử hàng trăm năm vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn trước sức tấn công mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại? Người Malacca có bí quyết nào chăng giúp cho việc bảo tồn di sản hiệu quả như vậy? Tôi mang theo về câu hỏi mà chuyến đi ngắn chưa kịp tìm câu trả lời…

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.