Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng với xứ sở Nam Đảo

06:18, 08/01/2023

Malaysia là một quốc gia hải đảo, gọi là vùng Nam Đảo hay Mã Lai Đa Đảo.

Một phần lãnh thổ của Malaysia cùng nằm trên một hòn đảo lớn là đảo Borneo - hòn đảo lớn thứ ba trên thế giới và lớn nhất châu Á; trong đó các tiểu bang Sabah và Sarawak nằm trên đảo Borneo, tiểu bang Labuan nằm trên một hòn đảo nhỏ ngay bờ biển Borneo, thuộc miền đông Malaysia. Các tiểu bang Johor, Kedah, Kelantan, Malacca, Negeri Sembilan, Pahang, Penang, Perak thuộc Liên bang Malaysia nằm ở phía tây, trên bán đảo Mã Lai, tiếp giáp với bán đảo nam Thái Lan.

Liên bang Malaysia gồm có 13 tiểu bang, có 9 ông vua trị vì ở 9 tiểu bang khác nhau. Theo thỏa thuận không chính thức, trong 9 ông vua này được tuyển lựa để nắm giữ vị trí Quốc vương của cả liên bang, với nhiệm kỳ 5 năm. Bốn bang còn lại có nguyên thủ trên danh nghĩa song không tham gia vào việc tuyển chọn để nắm giữ ngôi vua. Vai trò của Quốc vương phần lớn mang tính biểu tượng, thể hiện qua lễ nghi. Khi nắm giữ vai trò Quốc vương thì hoàng gia (chủ yếu là vợ con của nhà vua) được đến ở tại cung điện, gọi là The National Places.

Vũ điệu cung đình hoàng gia Malaysia.

Cung điện hoàng gia có kiến ​​trúc theo phong cách nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, tọa lạc trên một quả đồi ở tây bắc thủ đô Kuala Lumpur. Cung điện cũng là nơi tổ chức các cuộc họp mặt quan trọng và các nghi lễ trọng thể của đất nước. Quốc vương đương nhiệm của Malaysia là ngài Sultan Abdullah Ri’ayatuddin. Trong hoàng gia, người xuất hiện trước thần dân nhiều nhất chính là Hoàng hậu Malaysia, bà Tunku Azizah Aminah Maimunah Iskandariah (vợ của Quốc vương Sultan Abdullah Ri’ayatuddin). Hoàng hậu là người lai Anh nên có nét đẹp vừa Á vừa Âu, rất thân thiện và luôn gần gũi với mọi người. Đặc biệt, hoàng hậu rất quan tâm đến trang phục truyền thống, bảo tồn và phát triển sản phẩm dệt như batik, songket. Bà cũng là người bảo trợ cho Hiệp hội Nghề dệt may truyền thống ASEAN (TTAS).

Hạ tầng cơ sở ở Malaysia khá hiện đại và đồng bộ. Đường giao thông có nhiều loại, gồm đường bộ, đường sắt, đường tàu điện trên cao. Hai bên đường quốc lộ là các công trình kiến trúc hiện đại với nhiều khu chung cư, cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, siêu thị, khách sạn... Công trình kiến trúc nổi tiếng nhất là Tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumper. Malaysia là đất nước nhiều cây xanh, từ những cánh rừng đại ngàn trên các đảo, bán đảo đến nông trại bạt ngàn chuyên canh cây cọ. Dầu cọ là nguồn xuất khẩu lớn nhất của đất nước này.

Nghi thức chào đón nhà vua của người dân Malaysia.

Malaysia có nhiều cộng đồng tộc người cùng chung sống. Người Malay là tộc người chính giống như người Kinh ở Việt Nam. Bên cạnh đó còn có nhiều tộc người bản địa như dân tộc Bajau, Orang Ulu, Marut, Dayak... Riêng cộng đồng Dayak gồm hàng trăm bộ tộc nhỏ cư trú rải rác khắp đảo Borneo như bộ tộc Dayak Ngaju, Dayak Iban, Dayak Baritos, Dayak Kayan, Dayak Benuaqs, Dayak Embaloh… Các dân tộc Dayak, Kalimantan, Marut, Orang Ulu… ở Malaysia có nhiều nét tương đồng về văn hóa với các dân tộc ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam, thấy rõ nhất ở tập quán ăn mặc, phục sức, hóa trang. Họ mặc áo vỏ cây, làm tượng gỗ và đeo mặt nạ gỗ, trang sức nanh, vuốt thú, sử dụng lông chim cắm trên vành mũ đội trên đầu. Cách hóa trang, vẽ, bôi màu trên mặt cùng các bộ phận trên thân thể cũng giống với người J’rai, Bhanar trong lễ hội Pơthi. Phụ nữ Dayak thường căng dái tai mình bằng những chiếc vòng kim loại nặng. Đây là cách làm đẹp tương tự các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, người  Ấn và người Hoa cũng là thành phần dân tộc đáng kể sinh sống ở Malaysia.

Di sản văn hóa các dân tộc ở xứ sở này được bảo tồn, phát huy và là sản phẩm đặc sắc phục vụ cho hoạt động du lịch của đất nước.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.