Bứt phá với du lịch thông minh
Chỉ với một thao tác đơn giản trên màn hình đã có thể bay bổng trong không gian đa chiều, thỏa sức thưởng ngoạn bao điều kỳ thú của các điểm, khu du lịch nổi tiếng một cách sống động, chân thực - đó là những trải nghiệm thú vị cho du khách khi sử dụng dịch vụ du lịch thông minh thời 4.0.
Quảng bá thông minh
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch tỉnh đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ du lịch thông minh như: ứng dụng du lịch thông minh, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động... vào phục vụ du khách; hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch, lưu trú...
Hình ảnh toàn cảnh thành phố Buôn Ma Thuột trên hệ thống du lịch ảo mang tên “Du lịch Đắk Lắk 360 độ”. (Ảnh chụp màn hình) |
Trong đó có thể kể đến việc đổi mới công tác quảng bá, ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc quảng bá, giới thiệu điểm đến. Hiện nay, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh đã triển khai thành công hệ thống du lịch ảo mang tên “Du lịch Đắk Lắk 360 độ” (du lịch 360), giới thiệu các điểm đến trên công nghệ thực tế ảo VR360. Du lịch 360 tích hợp thông tin mô tả toàn cảnh của hơn 10 điểm du lịch hấp dẫn, các địa điểm đẹp của tỉnh, đem đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách. Thông qua hệ thống cho phép du khách trải nghiệm cảm giác “bay” trong không gian ảo, tham quan thành phố, các điểm, khu du lịch được giới thiệu ở tầm nhìn trên cao; bố cục hình ảnh hiển thị mãn nhãn và âm thanh sống động với thuyết minh tự động. Ngoài ra, du khách còn được tiếp cận thông tin, hình ảnh về lịch sử, văn hóa của địa điểm. Đơn cử như tìm hiểu về buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột), ngoài những hình ảnh đẹp của buôn thì còn có nội dung giới thiệu về địa danh, ý nghĩa tên gọi và đặc điểm nơi này.
“Trong thời gian tới, “Du lịch Đắk Lắk 360 độ” sẽ tiếp tục bổ sung những địa điểm mới, tạo thêm trải nghiệm chân thực, “chạm” từng góc nhìn và nâng tầm giá trị du lịch tỉnh nhà”, bà Lê Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cho hay.
Song song với đó, hệ thống du lịch thông minh tỉnh Đắk Lắk (mydaklak.vn) được triển khai đã quảng bá thông tin du lịch, tạo môi trường kết nối tương tác trực tiếp, thúc đẩy thương mại điện tử giữa đơn vị kinh doanh, cung ứng du lịch và dịch vụ lưu trú, vận tải… với người dân và du khách, có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động thông minh (My Đắk Lắk) cũng đã được vận hành. Thông qua đó, du khách có thêm các thông tin về Đắk Lắk như cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, điểm mua sắm, khu vui chơi giải trí, di tích... khi đến tham quan tại địa phương hoặc du lịch qua không gian mạng. Du khách có thể tự tạo lịch trình riêng và đặt dịch vụ trực tiếp thông qua ứng dụng này.
Khách du lịch tham gia trải nghiệm đạp xe tại khu vực buôn Kuốp (xã Day Sáp, huyện Krông Ana). |
Số hóa di sản
Bảo tàng Đắk Lắk cũng là đơn vị triển khai chuyển đổi số rất hiệu quả, chủ động ứng dụng nền tảng công nghệ vào quảng bá di sản văn hóa, phục vụ các nhu cầu của công chúng, đặc biệt là nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa, góp phần tăng trưởng du lịch của tỉnh.
Bảo tàng đã từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu số về tư liệu, hiện vật, di sản văn hóa, di tích hiện có, tạo tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ số trong trưng bày, tuyên truyền, giáo dục di sản văn hóa, kiểm kê, bảo quản... Đơn cử như ứng dụng công nghệ số trong trưng bày 3D trực tuyến chuyên đề “Đắk Lắk học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; trưng bày, giới thiệu câu chuyện hiện vật, di tích “Gốc cây long não”, “Di tích lịch sử Đồn điền Rossi” trên các kênh truyền thông của đơn vị; số hóa 120 hiện vật dưới dạng 3D, scan hàng nghìn hình ảnh...
Hình ảnh video giới thiệu hiện vật “Tục chia của trong tang lễ của cư dân tại chỗ Đắk Lắk” do Bảo tàng Đắk Lắk thực hiện. (Ảnh chụp màn hình) |
Trong đó, việc giới thiệu, quảng bá di sản trên website và mạng xã hội thu hút được nhiều sự tương tác, kết nối với công chúng, nhất là các bạn trẻ, làm tăng sức hấp dẫn khi đến với bảo tàng; góp phần làm cho du khách biết đến Đắk Lắk không chỉ là điểm đến du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh mà còn là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử hấp dẫn.
Ngoài sự vào cuộc của các sở, ngành, các doanh nghiệp kinh doanh mảng du lịch cũng tăng cường sử dụng công nghệ số trong hoạt động quảng bá trên các nền tảng xã hội nhằm thu hút khách trong và ngoài tỉnh cũng như khách nước ngoài đến và sử dụng dịch vụ. Việc lựa chọn dịch vụ qua app, check-in online hay thanh toán bằng quét mã QR, Internet Banking được các khách sạn, nhà hàng, điểm, khu du lịch sử dụng rộng rãi. Khá nhiều du khách thích và lựa chọn hình thức này vì vừa thuận tiện, chính xác và “không chạm” với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Những chuyển động tích cực trong quảng bá thông minh và số hóa di sản, cùng những nỗ lực của ngành du lịch đã phần nào hình thành nên môi trường du lịch số đồng bộ và tạo thuận tiện cho du khách. Đây chính là động lực để du lịch Đắk Lắk tiếp tục chuyển mình và bứt phá mạnh mẽ, tạo dựng điểm đến văn minh, chuyên nghiệp và hiện đại, từng bước vươn tầm ra quốc tế.
Tính đến tháng 12/2022, cổng thông tin du lịch đã cập nhật 61 địa điểm du lịch, 225 cơ sở lưu trú, 115 địa điểm ẩm thực, 21 địa điểm mua sắm, 26 đơn vị lữ hành, 171 thông tin tiện ích; thiết lập cho 47 cơ quan quản lý với 107 tài khoản, 305 cơ sở lưu trú và 367 tài khoản đối với hệ thống quản lý lưu trú, đăng ký tạm trú, tạm vắng liên thông; gần 2.600.000 lượt truy cập, gần 160.000 người dùng và trên 1.000 người tải ứng dụng trên thiết bị di động. |
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc