Multimedia Đọc Báo in

Du Xuân Tây Nguyên

02:39, 22/01/2023

Mùa xuân đã về. Mùa xuân Tây Nguyên với biết bao điều thú vị đang chờ đón bước chân du khách... Thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng lúc này ngập tràn sức sống và con người như đang hòa mình vào thiên nhiên khiến Tây Nguyên càng trở nên hấp dẫn.

Từ núi rừng, ghềnh thác…

Một vòng du xuân ở Tây Nguyên trước hết là để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ đầy hương sắc. Có nhiều ngả đường du lịch thú vị và dù đi theo bất cứ lộ trình nào du khách cũng cảm nhận được khung cảnh núi rừng nguyên sơ.

Nếu phía bắc Tây Nguyên có những dãy núi cao nối dài tưởng như không dứt như Ngọc Linh, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh thì phía nam Tây Nguyên cũng có những ngọn núi chọc trời quanh năm mây trắng phủ, đó là đỉnh Yok Đôn, đỉnh Chư Yang Sin ở tỉnh Đắk Lắk, đỉnh Nam Nung ở tỉnh Đắk Nông và ngọn Lang Bian ở tỉnh Lâm Đồng.

Từ trên các đỉnh núi cao như Ngọc Linh, Chư Mom Ray hay Yok Đôn, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy những cánh rừng le, rừng khộp rất điển hình cho rừng Tây Nguyên. Mùa xuân ở nơi đây như dấu gạch nối giữa hai mùa mưa và mùa khô, vì vậy hơn lúc nào hết núi rừng Tây Nguyên trở nên tươi tốt và bản năng sinh tồn trước mùa khô khiến vạn vật căng đầy sức sống.

Đắk Lắk có cảnh quan đa dạng với hệ thống thác ghềnh hùng vĩ. Ảnh: Huyền Diệu

Len lỏi giữa những cánh rừng có rất nhiều dòng sông, thác nước hết sức hùng vĩ, thơ mộng. Sông Đắk Bla ở tỉnh Kon Tum, sông Sê San ở tỉnh Gia Lai, sông Sêrêpốk ở phía Nam cao nguyên gồm hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông - nơi có những thác nước cao hàng chục mét như thác Gia Long, thác Dray Sáp, lại có nhiều thác nước nhỏ nhưng phong cảnh rất độc đáo và ấn tượng như thác Thủy Tiên, Trinh Nữ đôi bờ ngập tràn hoa dại, thác Đá với hàng trăm tảng đá nhìn xa như đàn voi rừng.

Lễ hội đua voi. Ảnh tư liệu

Du xuân ở Tây Nguyên còn phải kể đến những hồ nước vốn là điểm du lịch thu hút du khách, đó là Biển Hồ ở Gia Lai, hồ Lắk ở Đắk Lắk, hồ Xuân Hương, Tuyền Lâm ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Mỗi hồ có một vẻ đẹp riêng, Biển Hồ hay còn gọi là hồ Tơ Nưng ở Gia Lai mênh mông, hồ Lắk ở Đắk Lắk dập dềnh bóng thuyền độc mộc và hồ Xuân Hương ở thành phố Đà Lạt xanh ngắt bóng thông.

Đến các địa chỉ văn hóa, lễ hội

Vùng đất Tây Nguyên nổi tiếng bởi nhiều thắng cảnh thiên nhiên và là nơi có nhiều địa chỉ văn hóa đặc sắc. Có thể nói, mỗi khu du lịch trên đất Tây Nguyên đều thể hiện phong cách và bản sắc văn hóa riêng có của vùng đất cao nguyên.

Du khách hòa cùng nhịp xoang của người Êđê. Ảnh: Hoàng Gia

Đến những nơi này, du khách có thể tìm hiểu và khám phá những nét đẹp trong kho tàng văn hóa - nghệ thuật của các dân tộc bản địa. Với các dân tộc ở phía Bắc cao nguyên như Ba Na, J’rai, Xê Đăng chẳng hạn thì đó là mái nhà rông cao vút bên cạnh các nhà mồ và tượng nhà mồ do nghệ nhân dân gian thể hiện rất độc đáo và ấn tượng; với các dân tộc ở phía Nam cao nguyên như Êđê, M’nông, dấu ấn văn hóa thể hiện ở ngôi nhà dài, bến nước đầu buôn...

Du khách thích tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp và bản sắc văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên có thể tìm về những địa chỉ du lịch sinh thái - văn hóa như Buôn Đôn, thác Dray Sáp, thác Bảy Nhánh, hồ Lắk - buôn Jun (Đắk Lắk). Ở đó, có thể nhìn thấy bóng dáng những chiếc thuyền độc mộc làm từ thân cây rừng vốn là niềm tự hào của người dân cao nguyên. Hay được dạo chơi cùng đàn voi nhà là cách để mỗi người hiểu thêm về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng của đồng bào dân tộc M’nông.

Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì mùa xuân là mùa lễ hội. Không gian văn hóa trong từng lễ hội, với sắc màu thổ cẩm, âm thanh cồng chiêng, những nhạc cụ dân tộc đặc trưng cho vùng cao, tất cả hòa quyện vào nhau để cùng tạo nên một gam màu ấm áp chào đón mùa xuân trên cao nguyên. Từ tháng Giêng đến tháng ba âm lịch, các buôn làng lần lượt tổ chức các lễ hội, nhiều nhất là các lễ hội nông nghiệp và cộng đồng như mừng lúa mới, cúng bến nước... Tùy theo từng dân tộc mà mỗi lễ hội có những nghi thức riêng, thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc. Các lễ hội nối nhau, kéo dài suốt mùa xuân nên đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì đây còn là “mùa ăn năm uống tháng”.

Lễ hội đua thuyền được tổ chức vào mùng 4 Tết hằng năm đã trở thành hoạt động văn hóa được người dân đón đợi .

Hòa mình vào không khí, không gian lễ hội, du khách sẽ được tắm mình trong dòng chảy âm nhạc cao nguyên. Tiếng khèn đing năm quyến rũ, tiếng đàn goong thì thầm, tiếng tù và trầm hùng và rất nhiều các nhạc cụ khác được các nghệ nhân biểu diễn phục vụ lễ hội và cả du khách phương xa. Độc đáo nhất và bất cứ du khách nào cũng không thể bỏ qua đó là âm nhạc cồng chiêng - sản phẩm văn hóa độc đáo, chứa đựng và phản ánh tư duy âm nhạc của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Âm thanh cồng chiêng thể hiện được khí chất của núi rừng, sông suối và tâm hồn của nghệ sĩ cũng như cộng đồng cư dân trên vùng đất này.

Bên cạnh đó, phải kể đến một di sản văn hóa quý giá được ví như “viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian Tây Nguyên là sử thi. Suốt mùa xuân cùng với các lễ hội, ở nhiều buôn làng người ta tổ chức hát các sử thi dài hàng chục đêm như sử thi “Đam San”, “Đam Di đi săn”, “Xing Nhã”... Nếu ví sử thi là “viên ngọc quý” thì những làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc Êđê, Ba Na, J’rai, M’nông là những bông hoa trong vườn hoa văn hóa văn nghệ dân gian đầy hương sắc ở Tây Nguyên. Chẳng hạn như điệu hát kể Kư’ưt, hát trữ tình Ay ray của người Êđê là những làn điệu dân ca cổ, có sức sống mãnh liệt và quyến rũ không chỉ với đồng bào Êđê mà còn cả với khách phương xa.

Một vòng du xuân trên đất Tây Nguyên, bước chân du khách không quên ghé thăm các làng nghề và tìm hiểu nghề truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, nghề khoét thuyền độc mộc, nghề nấu rượu cần, nghề săn voi... Tìm hiểu và khám phá nét đẹp, nét độc đáo ở các làng nghề đó chính là khám phá một phần thế giới tinh thần, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em trên đất Tây Nguyên.

Cuối chặng đường du xuân trên đất Tây Nguyên, vào những phút giây thư giãn, du khách có thể ngồi tĩnh lặng để nhấm nháp hương vị cà phê. Cà phê trên cao nguyên bazan này thơm nồng vị đắng ngọt của đất rừng, sông suối, làm say lòng du khách trong và ngoài nước...

Và hình ảnh Đà Lạt ngập tràn hương hoa cỏ, Gia Nghĩa quanh co phố rộng qua những ngọn đồi, Buôn Ma Thuột nồng thơm cà phê, Pleiku với những thiếu nữ “má đỏ môi hồng” hay Kon Tum rộn ràng các vòng xoang ở cuối chặng đường du xuân trên đất Tây Nguyên sẽ là dấu chấm phá neo vào lòng du khách, để hành trình du xuân trong tâm tưởng mỗi người kéo dài mãi đến những mùa xuân sau...

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.