Multimedia Đọc Báo in

Kết nối du lịch miền Trung - Tây Nguyên từ góc nhìn văn hóa

12:33, 20/01/2023

Trong giai đoạn 2016 - 2022, Đắk Lắk đã ký kết hợp tác liên kết du lịch với 20 tỉnh thành trong cả nước, tập trung chính là các tỉnh duyên hải miền Trung và hai đầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Cơ hội thay đổi chất lượng du lịch địa phương, theo góc cạnh này, đang mở ra.

Gặp gỡ để cùng thấu đạt

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk mô tả, thật ra việc kết nối các địa phương, tranh thủ các diễn đàn du lịch, các sự kiện kết nối du lịch do Tổng cục Du lịch, các hiệp hội du lịch địa phương và Trung ương tổ chức vẫn được ngành du lịch tỉnh coi trọng. Gần như không có sự kiện liên kết du lịch nào, qua các hội chợ, triển lãm… ở những đô thị lớn, các thành phố đầu mối du lịch mà Đắk Lắk không cử đoàn tham gia. “Phải đi, gặp gỡ, tiếp xúc với người ta, mới thấy được cách làm của họ, học kinh nghiệm của họ, mà tự thấy mình cần thay đổi gì”, ông Hà tâm tư.

Cần khai thác những nét văn hóa đặc sắc vùng miền để kết nối phát triển du lịch.  Ảnh: Hữu Hùng

Trong suy nghĩ của người đứng đầu quản lý ngành du lịch địa phương, Đắk Lắk phải luôn tự soi rọi lại thực trạng, tại sao các đoàn du khách đến đây đều có tỷ lệ quay lại thấp? Tại sao các sản phẩm, điểm đến của du lịch Đắk Lắk, điển hình như du lịch Buôn Ma Thuột, lại chưa thể ấn tượng được với khách bên ngoài? Ông Hà nói, phải thấy rằng, nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành, từ lưu trú, lữ hành cho đến kinh doanh các sản phẩm đặc thù địa phương, hướng đến du khách là rất thường xuyên và rất lớn. Song, sau những chuyến đi, sau những lần khảo sát, du lịch Đắk Lắk lại bị “ghi điểm” thấp, cứ như bị mờ nhạt đi. Thậm chí, một số địa phương đã ký hợp tác với Đắk Lắk nhiều năm vẫn chưa mạnh dạn giới thiệu, tiếp cận kết nối du lịch sở tại với Đắk Lắk. Du lịch Đắk Lắk vẫn chưa thể “cất cánh”, còn nằm nhiều trong hai chữ tiềm năng.

Trong khi đó, bản thể du lịch Đắk Lắk không hề thiếu những yếu tố hấp dẫn. Chỉ cần tiếp cận từng điểm đến, các con suối, ngọn thác, rồi bám theo địa hình tự nhiên Đắk Lắk để trải nghiệm, người ta đã có thể nhận ra nhiều lợi thế độc đáo mà khung cảnh, điều kiện tự nhiên, khí hậu cao nguyên mang lại hứng thú cho du khách. Từ hồ Lắk cho đến những trang trại cà phê ở Cư M’gar, các vườn sầu riêng Krông Pắc, du khách đều rất dễ choáng ngợp bởi những bất ngờ kỳ thú sẽ thu lượm được. Nhất là về văn hóa bản địa, lịch sử truyền thống bao đời ở vùng đất đỏ bazan hùng vĩ này đã tạo nên những dòng chảy thông tin phong phú, những kho dữ liệu, tập quán, tục lệ độc đáo và lạ lẫm với khách phương xa, mà chỉ cần tiếp xúc một lần, đã thấy bị chinh phục.

Gặp gỡ để cùng thấu đạt, là thông điệp chân thành mà ngành du lịch Đắk Lắk gửi đi, để các bên  tìm hiểu, tiếp xúc, rồi cùng ngồi lại hoạch định cách hợp tác, từng gói tour dịch vụ hay từng sự kiện văn hóa…

Lan tỏa văn hóa từ biển lên non

Một lần tình cờ gặp những đại diện du lịch Đắk Lắk giữa sự kiện văn hóa ẩm thực Hà Nội (2021), người viết đặt câu hỏi, đoàn mang theo giới thiệu những gì và tự tin sẽ thu hút những ai? Sự ngập ngừng tự dưng lộ rõ trên gương mặt người phụ trách đoàn, vì hóa ra, những sản phẩm mang theo đều chung chung một thông điệp núi rừng Tây Nguyên, những loại nông sản, thổ sản mà Đắk Lắk đã hòa trộn với các địa phương khác. Liệu hạt cà phê Buôn Ma Thuột được giới thiệu ở sự kiện này có gì hấp dẫn hơn so với những hạt cà phê được rao bán trên mạng trực tuyến, câu hỏi này không nhận được trả lời.

Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn. Ảnh: Hữu Hùng

Ông Thái Hồng Hà băn khoăn, phải chăng mấu chốt của những giao dịch, kết nối chưa hiệu quả, chính là Đắk Lắk vẫn chưa mạnh dạn “vẫy vùng” các giá trị văn hóa cố hữu. Đó là những không gian cồng chiêng đặc biệt riêng có, với diện mạo hoành tráng mà lại như giấu mình đi, chỉ có thể tiếp cận ngay với buôn làng Đắk Lắk. Không gian đó, đâu chỉ có những bộ cồng chiêng, mà lại chính là dấu vết ước lệ, tượng trưng về sức mạnh tinh thần dân tộc, những biểu hiện linh thiêng với niềm tin vào thế lực siêu nhiên nào đó, sâu thẳm trong hồn người? Đó còn là những không gian thiên nhiên kỳ vĩ mà thơ mộng, uy nghiêm mà khắc khổ của những cánh rừng già, những con suối sâu ít hằn vết chân người đi qua, nơi con người có thể dừng lại thẩm thấu một chút hơi lạnh giá của đá núi ngàn năm, và ngước lên nhìn những vệt nước xói mòn vách núi, trước khi tuôn xuống theo dòng thác kiêu hùng?

“Chúng tôi nghĩ rằng, du lịch Đắk Lắk đang rất cần thay đổi, từ cách làm cho đến cách nghĩ. Phải thể hiện mình ra, phải có được những sản phẩm đặc trưng, những giá trị trải nghiệm, thưởng thức thực tế, và hấp dẫn vì những chi tiết văn hóa độc đáo bên trong. Những họa tiết ở trang phục thể hiện điều gì, những vị giác ẩn chứa trong món ăn cho thấy điều gì, đó mới là những giá trị riêng biệt mà chất đất, chất người, chất văn hóa Tây Nguyên cần đưa ra”, ông Hà nhấn mạnh. Ông tin tưởng, với cách thực tế hóa từng chi tiết, vấn đề văn hóa phía sau các sản phẩm du lịch như vậy, diện mạo một Đắk Lắk hấp dẫn sẽ càng hấp dẫn hơn. Có như vậy, đưa du lịch Đắk Lắk đến với các địa phương, người ta mới hồ hởi đón nhận và tiếp cận hơn.

Mà không chỉ dừng lại ở một hướng, du lịch Đắk Lắk đang cần chuyển đổi, hỗ trợ văn hóa các tỉnh thành khác, tạo nên những rường mối thắt chặt, cùng khai thác với nhau, mới đạt hiệu quả mong muốn. Trong các nội dung ký kết với du lịch các địa phương, lãnh đạo ngành du lịch Đắk Lắk mong muốn các địa phương đừng ngại đem những thông tin, giá trị văn hóa bản địa đến giới thiệu. Cần có những nhịp cầu trao đổi hai chiều giữa Đắk Lắk với các địa phương, một bên ra sức biểu hiện văn hóa Tây Nguyên, một bên có thể là những không gian văn hóa cung đình Huế, di sản Hội An, những miền thùy dương xanh ngắt ở xứ nẫu Bình Định hay vùng cỏ xanh Phú Yên… Có được sự kết nối giới thiệu đặc trưng đó, mỗi địa phương mới tạo được ấn tượng của mình, để hấp dẫn khách du lịch lên cao nguyên trượt thác và xuống vùng biển tắm cát.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.