Multimedia Đọc Báo in

Hồi sức thêm cho du lịch sau đại dịch

06:34, 21/03/2023

Đến thời điểm này, đã tròn một năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại sau đại dịch. Bức tranh du lịch dù đã phục hồi nhưng để hồi sức thêm, hồi sức tốt hơn cho "ngành công nghiệp không khói" này còn nhiều việc phải làm.

Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, đòi hỏi phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới trong phát triển ngành du lịch.

Sức khỏe du lịch Việt

Từ năm 2015 đến 2019, lượng khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt; khách quốc tế từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam năm 2019 tăng 17 bậc so với năm 2011. Trong năm 2020 và 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng chỉ số năng lực phát triển du lịch của nước ta vẫn tăng, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117; Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện cao nhất thế giới. Từ tháng 11/2021, chúng ta đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022. Năm 2022, Việt Nam đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, 103 triệu lượt khách nội địa.

Du khách trải nghiệm những nét đẹp văn hóa ở buôn du lịch Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Tuy nhiên, phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa lịch sử.

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu; sớm hoàn thiện, trình ban hành nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi - tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Sau đại dịch, du lịch Việt mở cửa sớm nhưng lượng khách quốc tế chưa được như mong muốn và mục tiêu đề ra. Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, chủ yếu cung cấp các sản phẩm dịch vụ đang có mà chưa chú trọng đáp ứng sản phẩm, dịch vụ du khách cần. Hệ thống hạ tầng, dịch vụ công cộng, thông tin chỉ dẫn du lịch chưa đáp ứng nhu cầu. Chuyển đổi số trong du lịch chưa mạnh mẽ; chưa xây dựng, đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương với địa phương, giữa ngành du lịch với các ngành khác.

Đổi mới trong tư duy, xây dựng hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện du lịch chưa có sự đột phá. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch còn hạn chế. Trong khai thác du lịch chưa có nhiều sáng tạo, chủ yếu vẫn “ăn” theo điều kiện tự nhiên sẵn có. Các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc riêng có chưa được phát huy tối đa để biến thành nguồn lực.

Đổi mới tư duy phát triển

Trong giai đoạn phát triển mới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, Đại hội XIII của Đảng xác định: "Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế... Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%". Đây là những chỉ tiêu cao, cần nỗ lực để đạt được. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" được tổ chức ngày 15/3 mới đây - đúng trong một năm sau mở cửa du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.

Khám phá quy trình trồng, chế biến cà phê là một trong những sản phẩm du lịch mới ở Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

Không dừng lại ở câu chuyện ăn, chơi, ngủ, nghỉ, giải trí thuần túy mà đề cao yếu tố văn hóa trong du lịch. Có nghĩa, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Trên bàn cân, không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Trong xu thế hội nhập, phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau. Cũng như bài toán của ngành nông nghiệp, để xuất ngoại cho nông sản, hiện diện ở thị trường quốc tế, các mặt hàng phải đáp ứng những tiêu chí của “thượng đế ngoại”. Phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có để tạo nên bản sắc văn hóa; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc