Bến Ô Môi còn đó dấu chân người
Không ai biết cái tên Ô Môi được đặt cho bến đò ở TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) từ khi nào, nhưng hai tiếng “ô môi” gợi lên trong mỗi con người miền Tây Nam bộ bao hoài niệm về thời ấu thơ đẹp đẽ với loài cây đơn sơ của quê nhà.
Nhiều bậc cao niên kể lại, ngày xưa cây ô môi mọc rất nhiều bên bờ sông nơi có bến đò nên người ta đặt tên là bến đò Ô Môi. Mỗi khi nhắc đến địa danh bến đò Ô Môi, người dân An Giang luôn nghĩ đến người con ưu tú của quê hương: Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Cách đây trên một thế kỷ, bến Ô Môi in dấu chân cậu học trò Tôn Đức Thắng từ quê nhà ở làng Mỹ Hòa Hưng trên cù lao Ông Hổ sang Long Xuyên để học tập. Sau đó, lại chính con đò này tiễn chàng trai ấy lên Sài Gòn tiếp tục học tập, làm việc và dấn thân vào hành trình đấu tranh giành tự do cho dân tộc.
Ai đó từng nói rằng, để yêu đất nước, con người trước hết phải biết yêu quê hương. Có lẽ, chất dung dị và nghĩa tình của đất và người miền Tây, trong đó có cù lao Ông Hổ quê nhà là điểm khởi đầu cho lòng yêu nước của bác Tôn. Đó là mái nhà sàn của cha mẹ, là hàng ô môi dọc con đường đến trường, là những con đò bập bềnh trên sông vắng, là câu vọng cổ trên những ghe hàng tất bật ngược xuôi…
Bến phà Ô Môi (bờ Mỹ Hòa Hưng) hôm nay. Ảnh: Internet |
Ngày nay, sau hơn một thế kỷ, Long Xuyên từ đô thị nhỏ của xứ thuộc địa Nam Kỳ đã trở thành một trong những thành phố phát triển năng động hàng đầu ở đồng bằng sông Cửu Long. Đường phố khang trang luôn tấp nập dòng người xe, chợ búa nhộn nhịp giao thương, những khu đô thị mới đầy hứa hẹn, những tòa nhà cao tầng vươn lên như sức trẻ của Long Xuyên đang vươn cao… tất cả tạo nên diện mạo mới cho thành phố thế kỷ 21.
Cù lao quê bác Tôn cũng đã có nhiều đổi thay, từ một làng quê lặng lẽ khép kín giữa bốn bề sông nước, trở thành xã nông thôn mới tràn đầy nhựa sống. Đi qua những con đường nông thôn xinh đẹp ở Mỹ Hòa Hưng hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy cuộc sống sung túc của người dân. Mặt khác, dù là xã thuộc TP. Long Xuyên, nhưng nơi đây vẫn mang đậm không khí miệt vườn dân dã, sự yên bình vừa đủ để du khách xa gần có thể cảm nhận vẻ đẹp của cù lao qua từng lát cắt nhỏ.
Ngần ấy thời gian trôi qua, bến đò Ô Môi trở thành chứng nhân cho những thăng trầm của lịch sử, những biến động của thời cuộc và đổi thay của quê hương. Con đò đưa bao người con từ xứ cù lao đi muôn nơi của đất nước và đón bao du khách từ những miền xa đến cù lao để tri ân nhà cách mạng lỗi lạc của dân tộc.
Bến đò Ô Môi bên bờ Long Xuyên vẫn nằm ở vị trí cũ, nhưng bên bờ Mỹ Hòa Hưng đã thay đổi vị trí do sạt lở đất bờ sông, chỉ có cái tên mộc mạc và thân thương thì vẫn vậy. Người địa phương đã thực hiện một hành động hết sức ý nghĩa là đem một số cây ô môi về trồng lại bên bến đò, như tái hiện hình ảnh ngày xưa cho thế hệ hôm nay nhìn thấy. Sau gần 30 năm trồng lại, những cây ô môi đã to lớn, xòe tán rộng che mát cho con đường xuống bến đò.
Nhìn về bên kia sông, chợ Long Xuyên sầm uất với khung cảnh giao thương nhộn nhịp, xa xa là chợ nổi Long Xuyên với xuồng, ghe đậu kín một khúc sông, giữa sông là cồn Phó Ba xanh mướt và bình yên. Bước chân lên bến Ô Môi, đi khoảng 300 m, chúng ta sẽ nhìn thấy tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng, mặt hướng về bến Ô Môi, hướng về cù lao Ông Hổ, như người con Hai Thắng đi xa năm nào vừa trở về đặt chân lên mảnh đất thân yêu.
Hưng Châu
Ý kiến bạn đọc