Multimedia Đọc Báo in

Nghe tiếng thác nơi địa đầu Tổ quốc...

14:31, 04/09/2023

Xúc động và ngỡ ngàng - là tất cả những gì bật ra trong tâm thức chúng tôi khi xe dừng lại ở Trạm biên phòng Bản Giốc và nhìn sang bên kia đường: Thay cho những mái quán lụp xụp nằm ở phía đối diện cổng trạm năm nào giờ là một  khu resort xinh đẹp và sang trọng nép mình bên triền núi.

“Sài Gòn - Bản Giốc”, một địa danh của phương Nam xa xôi lại nằm kề bên tên của một bản làng, một vùng thác tuyệt đẹp cuối trời xứ Bắc. Một âm vang thị thành phồn vinh đô hội đứng cạnh một địa danh thiêng liêng luôn thao thức trong lòng người dân đất Việt, chỉ ngần ấy thôi đủ cho du khách đặt chân đến đây trào dâng niềm cảm khái! Bước lối cổng, chúng tôi thấy một bạn trẻ đang ngó săm soi lên những vòm cây phong lá đỏ trên lối vào. “Tìm gì đấy bạn?”, “Tổ chim các anh ạ, nhiều lắm, cây nào cũng có chim về làm tổ!”. Chúng tôi cùng đứng lại nghiêng ngó, hóa ra cây nào cũng có một vài tổ chim, có tiếng chim non lích chích nghe ríu rít thiết tha. Có ngẫu nhiên không? Hay chim về làm tổ ấy chính là tín hiệu tốt lành gửi gắm vào đây như tiền nhân đúc kết: “đất lành chim đậu”.

Thác Bản Giốc.

Đất nước có hàng ngàn khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhưng không phải nơi chốn nào cũng gợi lên cho chúng tôi những niềm cảm khái thiêng liêng như khi đến Bản Giốc. Đã nhiều lần lên đây từ những năm trước, bao giờ cũng thế, cảm giác sau cùng đọng lại vẫn là niềm day dứt. Những nỗi day dứt ấy dồn nén, cất giữ và bây giờ thì như được vỡ òa giải thoát khi trước mắt chúng tôi là những dãy nhà với kiến trúc giản dị mà sang trọng tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt nhìn ra dòng thác như đang rót xuống từ lưng trời. Thác Bản Giốc đã tuôn bao nhiêu nước xuống dòng Quây Sơn thì cũng chảy vào tâm thức dân Việt bấy nhiêu niềm xúc cảm nắng mưa cuối trời biên ải.

Những năm tháng đi đi về về với biên ải, chúng tôi hiểu giá trị của một ngôi nhà dân chênh vênh bên đường biên, một lá cờ bay trước sân trường các em nhỏ đang học, một bài hát tập thể của con trẻ cất lên xua tan sự tĩnh lặng chốn núi rừng. Không như ở miền xuôi, những điều đó, nơi biên ải chính là hiện thân cụ thể của chủ quyền. Huống nữa, bây giờ đây, ngay bên đường biên là một resort sang trọng và bề thế, mỗi du khách đến đây là một tiếng nói khẳng định về chủ quyền đất nước để rồi mang theo về những xúc cảm thiêng liêng. Đấy là chưa nói hình ảnh của những công trình bề thế nơi biên cương như một nụ cười kiêu hãnh và bản lĩnh của miền phên dậu.

Nếu đã từng theo dõi chuyện phân định biên giới, sẽ hiểu rằng, để có những cột mốc trấn ải trên đường biên hôm nay là cả một cuộc đấu trí đấu lực khốc liệt ròng rã nhiều năm. Và để mọc lên bên đường biên xa xôi cách trở một khu du lịch cao cấp như thế này, đã là sự cống hiến và phần nào hy sinh.

Từ chùa Trúc Lam Bản Giốc nhìn ra khu vực biên ải.

Trước sân thượng nhà hàng của khu resort, đèn điện lung linh chung quanh, nhìn ra dòng thác, câu chuyện giữa hai chiều thời gian như níu vào một sợi chỉ ký ức, miên man qua tháng năm. Trong chúng tôi, ký ức của một Bản Giốc từ mấy năm trước cứ hiện về, thao thiết.

Đấy là một buổi chiều cuối thu của mười lăm năm về trước, Cao Bằng bị ảnh hưởng bởi bão rớt, mưa bụi giăng mờ, màu nước của dòng thác như lẫn trong mịt mùng màu mây, màu sương. Những người dân bản lùa đàn trâu về chuồng, trên vai choàng tấm nilon che mưa tơi tả, hậu cảnh là thác Bản Giốc đượm buồn. Và cùng lúc đó, nhìn sang bên kia biên giới, những khách sạn trên đất Trung Quốc lừng lững. Chúng tôi đã có mấy ngày “đi thực tế” nơi dòng thác địa đầu này, nghe thật nhiều câu chuyện về quá khứ, đọc những dự phóng về tương lai nhưng không ai có thể nói trước một điều gì cho thật chắc chắn. Chúng tôi còn nhớ cái barie dựng chênh chếch ngay trước cổng Trạm biên phòng Bản Giốc, trên lối đi xuống thác của Công ty Cổ phần Du lịch Cao Bằng bán vé cho du khách với cái giá tượng trưng là 15.000 đồng/vé. Và tất cả tương lai của Bản Giốc được diễn tả trên một tấm pa nô nổi bật dòng chữ: “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”. Bản đồ quy hoạch được xác lập chi tiết đến từng phân khu, và số tiền dự kiến đầu tư vào đây khiến khi đọc thấy chúng tôi không khỏi phấn khích: “Phân kỳ đầu tư phát triển: Giai đoạn từ năm 2008 - 2010 đầu tư 500 tỷ đồng; từ năm 2011 - 2015: 1000 tỷ đồng; từ năm 2016 - 2020: 900 tỷ đồng”. Làm một phép tính cộng đơn giản, con số đầu tư đó đã là 2.400 tỷ đồng! Thế nhưng những con số ấy vẫn lặng im ở đấy, mãi cho đến cuối năm 2014, Bản Giốc mới thực sự khởi động bài bản từ dự án xây khu nghỉ dưỡng của Saigon Tourist.

Khu resort Sài Gòn – Bản Giốc nơi mảnh đất địa đầu.

Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình từ nhiều năm trước khi đọc bản tin Tổng Công ty du lịch Sài Gòn vừa chính thức khởi công dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc (Sài Gòn - Bản Giốc resort) có tiêu chuẩn 4 sao trên tổng diện tích 31,15 ha. Đó không chỉ là bản tin ngắn gọn về một dự án du lịch thuần túy nếu biết rằng hơn cả một địa danh, hơn cả một thắng cảnh, thác Bản Giốc nơi cuối trời Việt Bắc luôn đau đáu như một phần máu thịt người Việt với bao tháng năm dâu bể cùng nắng mưa miền biên ải. Có lẽ trong khát vọng về sự đổi mới trên vùng đất phên dậu này, nếu chỉ có phát triển hạ tầng cơ sở vẫn chưa đủ, chính những chàng trai, cô gái Tày, Nùng… đang khoác trên mình bộ đồng phục nhân viên khu resort cao cấp này mới là điều đáng kể.

Đêm đó, trong căn phòng tiện nghi của resort Sài Gòn - Bản Giốc, chúng tôi đã không thể nào ngủ được. Không phải vì khó ngủ mà vì muốn để tất cả không gian yêu dấu biên ải này ngấm vào trong từng tế bào, da thịt. Càng về khuya, tiếng thác càng lay động, trăng biên ải càng vằng vặc. Yêu tha thiết cõi bờ Tổ quốc, thương gian lao đời dân biên cương, còn gì hơn là lên đường đến đây, thức với biên ải một đêm, để nghe tiếng thác trên đường biên đang đổ xuống ầm ào. Trong tiếng thác ấy, sẽ nghe vọng về tiếng của ông cha từ ngàn năm trước, tiếng trống trận, tiếng gươm khua, tiếng ngựa hí… Lịch sử gìn giữ cõi bờ nước Việt luôn là những trang sử bi tráng và bất khuất như thế, ông cha ngã xuống như thế, để có được cõi bờ non nước này, có được những danh thắng như Bản Giốc này…

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.