Multimedia Đọc Báo in

Làm du lịch nơi... cổng trời

08:26, 27/10/2023

Cổng trời thì nhiều nơi có. Ở các tỉnh miền núi phía bắc như Hà Giang, Lai Châu… hay các địa phương vùng cao ở miền Trung – Tây Nguyên đều có địa danh cổng trời. Cổng trời mà tôi vừa đặt chân đến là địa danh nằm ở huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định.

Đường lên cổng trời

Từ thị trấn An Lão lên đến cổng trời khoảng chừng 40 km. Đây là vùng rừng núi còn khá nguyên sơ, nhiều cánh rừng nguyên sinh. Đường trải nhựa tuy không tốt như ở đồng bằng song cũng khá thuận lợi cho du khách. Đến cổng trời thì đường nhựa cũng chấm dứt, từ đây chỉ nhìn thấy xanh ngắt một màu non cao, rừng thẳm.

Xe chạy theo đường đèo dốc quanh co. Hai bên đường toàn cây rừng cao vút. Chỉ tầm mươi, mười lăm phút đã thấy khí trời trở lạnh. Thêm mươi, mười lăm phút nữa đã thấy mây bay mờ đục trước kính lái. Không gian và cái lạnh giống như ở vùng cao của Sa Pa, Đà Lạt… Mây nhiều lắm, nhiều chỗ xe phải chạy chậm, bật đèn. Mới đến độ cao chưa đến 700 m đã nhìn thấy tảng đá lớn ven đường, trên đó khắc chữ “Cổng Trời”. Cách đó không xa có tấm bảng chỉ dẫn “Điểm săn mây”. Tôi xuống xe, tranh thủ vài tấm ảnh. Quả thật, điểm săn mây này rất thú vị. Nhìn xuống là cả cánh rừng nhiều màu, cuối mùa khô nên lá vàng, lá đỏ chen với lá xanh. Mây bay ngang như dải lụa, lúc gió thổi mạnh thì hun hút, lúc ngừng gió lại vấn vít quanh các tàng cây.

Xe chạy thêm đoạn ngắn nữa nhưng rất dốc. Anh Phan Hoài Sơn, Chánh Văn phòng Huyện ủy An Lão bảo, đây là thôn 3, đi nữa sẽ là thôn 2, thôn 1, cả 3 thôn đều thuộc xã miền núi An Toàn. Nhưng thôn 3 là điểm cao nhất, nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển. Thôn 3 là theo cách gọi hành chính, đó là một buôn làng Bana chưa đến 30 nóc nhà, nằm chon von trên một khoảnh đất bằng ngay giữa đỉnh núi.

Trẻ em Bana nơi cổng trời.

Ngôi làng Bana đầy màu sắc

Vừa bước qua cổng làng, tôi đã rất ngạc nhiên bởi những ngôi nhà sàn đầy tranh bích họa. Dù đã gặp nhiều ngôi làng bích họa như làng Cảnh Dương (tỉnh Quảng Bình), làng Mân Thái (TP. Đà Nẵng), làng Tam Thanh (tỉnh Quảng Nam)… nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một buôn làng dân tộc thiểu số có tranh bích họa khổ lớn vẽ kín mặt tiền những vách nhà sàn.

Thấy tôi ngắm nhìn mê mải, anh Sơn kể, chuyện vẽ tranh bích họa này bắt nguồn từ ý tưởng của một nhóm giáo viên cắm bản. Sống ở đây cùng với người dân Bana, họ thấy vẻ đẹp của núi rừng, sông suối và truyền thống văn hóa tốt đẹp của cư dân bản địa. Rồi họ trăn trở, làm cách nào để mọi người biết đến nơi này. Ý tưởng vẽ tranh của họ được chính quyền địa phương đồng ý, hỗ trợ kinh phí. Vậy là, cùng sự giúp sức của các họa sĩ, nhóm giáo viên ở huyện An Lão đã tiến hành vẽ tranh bích họa lên vách các ngôi nhà sàn.

Tôi đếm cả thảy có 15 bức bích họa lớn, kín cả vách nhà sàn. Đề tài tập trung vào phong cảnh núi rừng và sinh hoạt đời thường ở ngôi làng Bana. Màu sắc rực rỡ, nội dung tả thực khiến các bức tranh trở nên sinh động giữa núi rừng. Tôi dừng lại giữa con đường dẫn vào làng, trò chuyện với người dân. Nhiều người tôi chỉ kịp hỏi tên như chị Đinh Thị Hương, anh Đinh Văn Coong… cho biết, những chủ nhân của các ngôi nhà có tranh bích họa rất vui. Họ bảo, có tranh đẹp nên nhìn thấy ngôi làng cứ như được mặc vào chiếc áo mới đi dự hội. Người già, trẻ em, ai nấy đều thích. Ông Đinh Văn Lầy, một lão nông Bana nói thêm: “Hồi trước giờ, ở đây vắng lắm, buồn lắm, người lớn thì đi rẫy, chỉ trẻ con ở nhà. Giờ khác rồi, nhiều người ghé tới thăm chơi. Làng lúc nào cũng có khách từ xa tới”.

Tôi nhìn quanh con đường chính dẫn vào làng và những lối nhỏ dẫn vào các ngôi nhà sàn. Khá lạ, vì tất cả đều rất sạch sẽ, nhiều khóm hoa nhìn qua đã biết gia chủ tự tay trồng và chăm sóc. Có lẽ, nói như ông Đinh Văn Lầy, nhiều người ghé thăm nên các hộ dân ở đây đã có ý thức trong việc bảo vệ môi trường phong quang, gìn giữ cây xanh và trồng thêm hoa. Đồng bào Bana nơi đây cũng vẫn còn giữ gìn, bảo tồn được nguyên vẹn các giá trị văn hóa cổ truyền như kiến trúc nhà ở, trang phục, nghề thủ công, ẩm thực và nhất là các lễ hội trong năm.

Từ ngôi làng bích họa độc đáo ở thôn 3 chúng tôi lại lên đường đến thôn 2 và thôn 1. Càng đi càng thấy đại ngàn mê hoặc bước chân. Cũng giống thôn 3, làng Bana ở đây dù chưa có bích họa nhưng vẫn cuốn hút bởi vẻ đẹp của những ngôi nhà sàn, những khóm hoa mọc hai bên lối đi vào làng. Dọc đường còn có các thùng đựng rác công cộng, điều hiếm thấy ở các địa phương vùng cao. Nhiều trẻ em Bana thấy khách lạ nhoẻn miệng cười chào tự nhiên, không rụt rè như nhiều nơi khác.

Tranh bích hoạ trên vách nhà sàn.

Lối đi ngay giữa buôn làng

Trời chiều vùng cao lất phất vài giọt mưa. Không khí mát lạnh. Sơn dẫn tôi đi một vòng và tiếp tục câu chuyện. Hóa ra, mọi thay đổi ở xã vùng cao An Toàn này chỉ mới bắt đầu cách đây chưa đầy 5 năm. Năm 2019, tỉnh Bình Định đã có chủ trương phát triển du lịch dựa trên tài nguyên vị thế, tài nguyên du lịch của mỗi địa phương. Theo đó, với những xã vùng cao như xã An Toàn, Sở Du lịch kết hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch đến từng hộ dân, trong đó đặc biệt chú ý đến các kỹ năng khi tham gia và thực hiện hoạt động du lịch cộng đồng.

Nhờ chủ trương, biện pháp thích hợp và cả những sáng tạo như vẽ tranh bích họa lên tường các ngôi nhà sàn mà xã An Toàn đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách. Nhiều hộ dân đã cải tạo nhà, vườn cây, ao cá… thành các homestay. Nhiều hộ gia đình ở đây còn bán các đặc sản miền núi như chuối rừng dùng để ngâm rượu, măng rừng, nấm… Chị Đinh Thị Thu (ở thôn 2) vui vẻ kể: “Khách du lịch thích lắm. Chúng tôi bán những sản phẩm tự tay làm ra như vải thổ cẩm tự dệt, thịt trâu gác bếp, mật ong… Đời sống giờ đỡ hơn trước nhiều. Làm du lịch có thu nhập mà cũng vui hơn làm rẫy”.

Trên đường về, chúng tôi ghé vào một “nhà hàng” nhỏ ven đường. Gọi “nhà hàng” nhưng thực ra chỉ là quán nhỏ nằm bên bờ suối. Nước chảy và gió mát dường như đánh bay lúc nào cái nóng của mùa hè miền Trung khắc nghiệt. Đồ ăn, thức uống ở đây tuy đơn giản như gà nướng, măng xào, cá niên nấu rau răm… nhưng rất ngon miệng. Tôi nghĩ, với cách làm du lịch như thế này thì con đường xóa đói giảm nghèo không đâu xa, “lối đi ngay giữa buôn làng” đó thôi.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.