Multimedia Đọc Báo in

Định vị cho loại hình du lịch với rừng

08:31, 21/02/2024

Trong hệ sinh thái đa dạng, phong phú của vùng đất Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung thì những cánh rừng nguyên sinh được xem là tài nguyên vô cùng quý báu để ngành du lịch khai thác, phát triển thành những sản phẩm “công nghiệp không khói” đặc thù nhằm thu hút du khách.

Rừng hấp dẫn du khách

Trên địa bàn Đắk Lắk hiện nay, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Cư Yang Sin hay Khu bảo tồn Nam Ka (huyện Lắk) và Ea Sô (huyện Ea Kar) được xem là những điểm đến hấp dẫn, thỏa mãn nhu cầu khám phá và trải nghiệm cho mọi đối tượng du lịch.

Còn nhớ, trong dịp Lễ hội đua voi ở Buôn Đôn vào những ngày trung tuần tháng 3/2023, chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với ông Jerome Queyr cùng bà Jean Rat - là những quản trị viên của Tập đoàn Du lịch sinh thái nước Pháp sang Việt Nam nghiên cứu, khảo sát các tuyến du lịch sinh thái, văn hóa mang tên là ANAS. Họ thích thú nói rằng: Hoạt động du lịch ở đây đã bắt đầu thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài với tất cả những gì vốn có: Lễ hội truyền thống của cư dân bản địa; vốn văn hóa cổ xưa và nhất là những cánh rừng hoang sơ… đã thật sự "níu chân" mọi người. Đó là vốn tài nguyên vô giá để vùng đất này kiến tạo nên những sản phẩm “du lịch xanh” bền vững, một trong những xu thế mới của ngành “công nghiệp không khói” tại nhiều quốc gia hiện nay. 

Khách du lịch quốc tế trải nghiệm rừng Yok Đôn. Ảnh: M. Phương

Ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cho rằng: Nhiều du khách ở một số nước châu Âu và Đông Bắc Á đã biết đến những tour “du lịch xanh” trên địa bàn Đắk Lắk được hình thành và kết nối xuyên suốt. Các hãng lữ hành đã liên kết, hợp tác với với các công ty du lịch cùng hệ ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ để đưa du khách đến đây. Nhất là từ TP. Đà Lạt, khách quốc tế đã được ngành du lịch hai tỉnh Lâm Đồng - Đắk Lắk kết hợp tổ chức những tour xuyên rừng kỳ thú.

Từ TP. Đà Lạt cắt qua hết rừng thông dưới chân đèo Prenn là đến khu rừng nguyên sinh núi Voi - Bidoup; sau đó xuôi về Đức Trọng (Lâm Đồng) gặp Quốc lộ 20 (Đà Lạt - TP. Hồ Chí Minh) để vào khu rừng đặc dụng Pang Bá - Lâm Hà, tiếp giáp với sông Krông Nô, huyện Lắk (Đắk Lắk). Từ đây, du khách tiếp tục khám phá Vườn Quốc gia Cư Yang Sin, Rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk và Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar với quần thể sinh cảnh vô cùng đa dạng, phong phú. Tất nhiên, tour “du lịch xanh” ấy sẽ được nối dài đến Vườn Quốc gia Yok Đon rộng lớn với nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Hầu hết du khách đến đây, nhất là khách quốc tế đều chia sẻ: Xu thế của du lịch hiện nay là tìm về với thiên nhiên với những sinh hoạt mộc mạc, nguyên sơ - và ý thích đó là nhằm cân bằng đời sống và trạng thái tinh thần của con người trong cuộc sống hiện đại.

Gỡ bỏ những “nút thắt”

Có thể nói xu thế du lịch trên đang được cộng đồng làm du lịch ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đón nhận và triển khai ngày càng rõ nét và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập chậm được khắc phục khiến nhiều đơn vị làm du lịch văn hóa - sinh thái trên địa bàn Đắk Lắk băn khoăn. Trong đó nổi lên vấn đề đáng quan tâm nhất là thủ tục đầu tư, chính sách đất đai và thuế vẫn còn không ít vướng mắc khiến bước phát triển du lịch rừng ở đây chưa thật sự đột phá mạnh mẽ.

Theo Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là việc sử dụng đất rừng trong hoạt động du lịch được xem là giàu tiềm năng này. 

Cụ thể, theo Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, để phát triển du lịch dưới tán rừng, các ban quản lý rừng phải xây dựng “Phương án quản lý rừng bền vững”, sau đó mới xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại đó theo hình thức tự tổ chức, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng. Song đến nay, mặc dù đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương tại Công văn số 3220/UBND ngày 24/4/2019 nhưng vẫn chưa có đơn vị quản lý, bảo vệ rừng nào trên địa bàn triển khai thực hiện.

Nhịp chiêng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên sống gắn bó với rừng là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

 Các doanh nghiệp làm du lịch ở đây mong rằng những hạn chế, tồn tại trên cần được chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng từng bước tháo gỡ bằng những quyết sách phù hợp, kịp thời như rà soát, đánh giá việc chuyển đổi mục đích sử dụng tài nguyên (đất, rừng) một cách hợp lý, linh hoạt để phục vụ mục tiêu phát triển trước mắt cũng như lâu dài theo hướng hài hòa, bền vững hơn.

                                         Đình Đối


Ý kiến bạn đọc