Multimedia Đọc Báo in

Muôn nẻo du xuân

15:24, 19/02/2024

Những ngày đầu năm, tiết trời dung dị, yên bình, tạm quên những phiền lo của năm cũ, người dân nô nức du xuân trên mọi nẻo đường, cùng nhau đón chào một năm mới rực rỡ, an lành.

Khoác lên mình những bộ quần áo tươm tất, mỗi người lại có những lựa chọn riêng cho chuyến du xuân của bản thân. Trong đó, các địa điểm du lịch, vui chơi được đông đảo người dân tìm đến. Xuân năm nay, ngày mồng 2 Tết, gia đình anh Bùi Văn Đức (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) cùng nhau đến danh thắng gần nhà là thác Thuỷ Tiên để du xuân.

Anh Đức chia sẻ, thác Thủy Tiên ẩn mình giữa rừng cây rộng lớn, dòng thác với nhiều tầng nước đổ uốn lượn giữa đại ngàn bao la, bạt ngàn màu xanh của cây cỏ. Đến đây, hoà mình vào thiên nhiên nơi ngọn thác hùng vĩ, giúp lòng mình nhẹ nhàng, thoải mái. Mọi người chơi đùa với dòng nước mát, cùng ăn uống, trò chuyện dưới chân thác giúp tình cảm gia đình trở nên gắn kết, bền chặt hơn.

h
Người dân du xuân tại thác Thuỷ Tiên (huyện Krông Năng) vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Trong khi đó, đối với chị H’Lan Niê (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk), chuyến du xuân của gia đình chỉ đơn giản là đi xe máy lên TP. Buôn Ma Thuột ngắm phố phường rực rỡ, tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột, “check in” linh vật rồng được đặt tại Hoa viên thành phố. 

Chị bộc bạch, cả năm gắn bó với nương rẫy, khởi đầu năm mới với chuyến đi nhẹ nhàng để biết thành phố mình đẹp đến nhường nào, qua đó giúp tinh thần phấn chấn để bắt đầu một năm mới trọn vẹn hơn.

h
Người dân "check in" cùng linh vật rồng tại Hoa viên TP. Buôn Ma Thuột dịp đầu xuân.

Cùng với đi du xuân trong tỉnh, nhiều người lại chọn tới các vùng đất mới, đi du lịch ngoại tỉnh để khám phá, thay đổi không khí vào dịp đầu năm. Tranh thủ kỳ nghỉ Tết, gia đinh chị Nguyễn Thị Thảo (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cùng bạn bè lựa chọn đi đến tỉnh Phú Yên để vui chơi, tắm biển.

Theo chị Thảo, cả năm bận rộn, ít có thời gian cả nhà được nghỉ cùng nhau dài ngày, đây cũng là dịp mọi người cùng nhau vui chơi, giải toả căng thẳng, đồng thời cho con có những trải nghiệm mới để chuẩn bị tiếp tục bước vào guồng quay học tập.

h
Dịp đầu năm, nhiều người chọn tới các vùng đất mới, đi du lịch ngoại tỉnh để khám phá, thay đổi không khí.

Không lựa chọn những nơi ồn ào, náo nhiệt, đối với nhiều người, du xuân chỉ đơn giản là là ra khỏi nhà để tận hưởng không khí mùa xuân ấm áp, đến nhà họ hàng, bè bạn thăm hỏi, chúc Tết. Đặc biệt, với những người con xa xứ, họ chỉ đợi Xuân tới để trở về quê hương sum họp.

Anh Hoàng Văn Sơn (Phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cùng vợ con rời tỉnh Thanh Hoá vào sinh sống và lập nghiệp tại Đắk Lắk đã được 5 năm. Hằng năm, khi Tết đến Xuân về, vợ chồng anh lại đưa con cái trở về quê đón tết cùng ông bà, bố mẹ, họ hàng. Anh Sơn tâm sự, cuộc sống tha hương mưu sinh, nhưng trong lòng anh luôn nhớ về quê nhà, nguồn cội. Bởi thế, đây cũng là chuyến du xuân ý nghĩa nhất trong năm của cả nhà.

Vào những ngày đầu năm mới, nhiều gia đình người Việt có tục đi lễ chùa, coi đó là một chuyến du xuân nhẹ nhàng để tận hưởng không khí Tết an lạc, thanh bình. Sáng mùng một Tết, chùa chiền chộn rộn bước chân người ngược xuôi, mỗi người mang trong mình một tâm trạng, ước muốn.

Bà Thái Thị Hải (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) cho biết, tuy không phải là phật tử, cả năm ít lui tới cổng chùa, tuy vậy, năm nào bà cũng dành ngày đầu năm để đến chùa vãn cảnh, cầu bình an, may mắn cho cả gia đình. Đến chùa, hòa vào dòng người hành lễ, nghe tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói nhang làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh tịnh. Đối với bà, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng mưu sinh.

h
Đông đảo người dân đến chùa Sắc Tứ Khải Đoan (TP. Buôn Ma Thuột) dịp đầu năm mới.

Sau Tết Nguyên đán, những chuyến du xuân giúp con người tạm gột bỏ những ưu phiền trong cuộc sống, đón chào một năm mới gặp nhiều may mắn. Mùa xuân cũng là lúc các lễ hội được diễn ra, khoảng thời gian này, người dân lại nô nức tham gia, đắm mình vào không khí rộn ràng, náo nhiệt của lễ hội.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.