Multimedia Đọc Báo in

Biến di tích thành tài nguyên để phát triển (kỳ 1)

06:33, 16/03/2024

Lấy du lịch nuôi di tích và ngược lại xem đó là vốn tài nguyên quý giá để phát triển ngành kinh tế quan trọng này đang là hướng đi đúng đắn và tích cực của hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước hiện nay. Đắk Lắk cũng không nằm ngoài xu thế ấy và chỉ có như vậy, bài toán giữa bảo tồn - phát triển mới được giải quyết một cách rốt ráo và bền vững.

Kỳ 1: Những di tích được “đánh thức”

Một số di tích trên địa bàn tỉnh đã và đang được tiếp tục trùng tu, tôn tạo để đưa vào khai thác phục vụ du lịch ngày càng hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh đầu tư tôn tạo

Mới đây, vào trung tuần tháng 2/2024, UBND tỉnh đã bố trí hơn 11,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đồn điền CADA và Miếu thờ CADA (huyện Krông Pắc).

Theo Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến: Hy vọng từ nguồn lực này, quần thể di tích trên sẽ được “đánh thức”, tạo động lực mới giúp địa phương khai thác, phát triển ngành kinh tế du lịch với những sản phẩm hết sức tiêu biểu và đặc thù. Đó là làm sống lại một giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của những người yêu nước cùng với hàng nghìn công nhân tại đồn điền cà phê này từ những năm 1932 – 1945.

Thanh niên, đoàn viên trên địa bàn huyện Krông Pắc tham quan và nghe giới thiệu về lịch sử Đồn điền CADA. Ảnh: Đinh Nga

Với quần thể di tích Đồn điền CADA, việc đầu tư và tôn tạo nhằm biến nơi đây trở thành điểm đến đã được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1999.

Được biết từ năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương trùng tu, tôn tạo “địa chỉ đỏ” nói trên với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng để xây tường rào bảo vệ, sửa chữa nhà xưởng trong khu vực I có diện tích khoảng 44.000 m2.

Tiếp đó, khu vực II (tính từ tường rào khu vực I ra ngoài thêm 25 m theo hồ sơ di tích) cũng được chính quyền sở tại lần lượt khảo sát, giải phóng mặt bằng nhằm tôn tạo không gian, cảnh quan chung quanh như yếu tố cấu thành toàn vẹn cho di tích.

Đặc biệt, Di tích lịch sử Đồn điền CADA và Miếu thờ CADA đã được cơ quan chức năng cấp sổ đỏ từ năm 2021. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Nguyễn Thị Kim Oanh: Mục tiêu ấy ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét từ năm 2020 đến nay, khi di tích lịch sử này luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các ban, ngành liên quan cũng như nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.

Trong ba năm qua, có hơn 4,2 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực được đầu tư vào đây để xây dựng sân bãi, lối đi, nhà để xe, trồng cây xanh… nhằm dần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng cơ sở di tích phục vụ khách tham quan với số lượng ngày càng tăng.

Nhất là trong dịp Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ nhất (đầu tháng 9/2022), di tích lịch sử trên đã được quảng bá, giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh như điểm đến không thể bỏ qua khi đến với vựa sầu riêng và cà phê trọng điểm này.

Giờ đây, quần thể di tích Đồn điền CADA được tiếp tục quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn mục tiêu quốc gia nói trên càng cho thấy giá trị to lớn của “địa chỉ đỏ” này trong công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế của Krông Pắc nói riêng và Đắk Lắk nói chung.

 

“Từ năm 2021 đến nay, số lượt khách du lịch đến với các di tích tăng lên đáng kể, bình quân từ 620.00 – 650.000 lượt/năm. Con số này tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2016 - 2020. Những điểm đến thu hút du khách nhiều nhất là Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại - Bảo tàng Đắk Lắk và Đồn điền CADA (huyện Krông Pắc)” – ông Trần Hùng, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk.

Theo “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh thì từ nay đến năm 2025 sẽ ưu tiên đầu tư tôn tạo và phát huy 6 dự án/di tích tiêu biểu nhằm kích cầu ngành kinh tế quan trọng này.

Trong đó 4 dự án do tỉnh thực hiện gồm: Nhà đày Buôn Ma Thuột; Khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk - Biệt điện Bảo Đại; Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 (còn gọi là Sở Chỉ huy, huyện Ea H’leo); Nhà số 57 (nay là 71 Lý Thường Kiệt - TP. Buôn Ma Thuột) với tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng. Hai dự án/di tích còn lại là Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk 1965 – 1975 (huyện Krông Bông) và Cụm danh thắng thác Dray Sáp thượng - Dray Nur (Krông Ana) được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa, trong đó vai trò trọng tâm là cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Khi di tích được "đánh thức"

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho hay: Những dự án này tập trung vào hạ tầng cơ sở kỹ thuật, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, xây dựng các mô hình trải nghiệm và đổi mới công nghệ trong việc xây dựng, giới thiệu, tương tác sản phẩm, hình ảnh du lịch vốn có đến với du khách.

Ví như Nhà đày Buôn Ma Thuột, qua đợt trùng tu và tôn tạo gần đây vào cuối năm 2020 với kinh phí gần 7 tỷ đồng đã bắt đầu thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Những hình ảnh, tư liệu và hiện vật lịch sử liên quan ở đây được tiếp tục sưu tầm, bổ sung thêm.

Hệ thống tượng manơcanh mô phỏng cảnh tù nhân bị bạo ngược, hành hạ dưới chế độ thực dân Pháp thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945 được nâng cấp, tái hiện trong không gian lịch sử chân thật hơn bằng công nghệ (ánh sáng, âm thanh) sinh động nhằm đem lại cho du khách cảm xúc mãnh liệt cùng nhận thức sâu sắc về “địa ngục trần gian” và cũng là “trường học lớn của cách mạng” tại di tích quốc gia đặc biệt này.

Học sinh tìm hiểu kiến thức lịch sử tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Hay như Biệt điện Bảo Đại - Bảo tàng Đắk Lắk, từ khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối tháng 5/2011 với tổng kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo lại theo hướng gìn giữ, bảo tồn tối đa giá trị cơ bản và nguyên gốc của di tích thì địa chỉ trên trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến với TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Trần Hùng, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk đánh giá: Với sự đầu tư ngày càng có trọng tâm ấy, di tích lịch sử cấp quốc gia này đã từng bước phát huy xứng tầm vai trò quan trọng về mặt lịch sử - văn hóa, mang nhiều ý nghĩa to lớn trong hành trình xây dựng, phát triển đô thị Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung qua 120 năm thăng trầm của lịch sử.

Sắp tới, theo đề án trên, Biệt điện Bảo Đại - Bảo tàng Đắk Lắk sẽ nhận thêm nguồn lực đầu tư có chiều sâu hơn để tôn tạo di tích trên trở thành điểm nhấn ấn tượng về chiến lược phát triển không gian đô thị của thành phố; đồng thời còn xây dựng và nhận diện địa chỉ ấy như một “sử quán” đầy đủ, đúng nghĩa nhất về lịch sử, văn hóa của vùng đất giàu bản sắc này, góp phần đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước.

Rõ ràng, một khi có sự quan tâm đầu tư thì di tích được “đánh thức” và phát huy, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cho mỗi địa phương.Tuy nhiên, tiền bạc là chưa đủ để biến vốn tài nguyên này trở thành động lực kích cầu bền vững mà phải kiến tạo nên hành lang pháp lý hoàn chỉnh, làm cơ sở vững chắc cho việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và khai thác giá trị các loại hình di tích một cách phù hợp, hiệu quả hơn.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Hoàn thiện “giấy khai sinh” cho di tích

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.