Multimedia Đọc Báo in

Một lần “chạm” Angkor (bài 3)

08:00, 31/03/2024

Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…

Angkor Wat và những con số thú vị

Theo tiếng Khmer thì Angkor Wat nghĩa là “thành phố đền thờ”; tên cổ ban đầu của ngôi đền không được biết đến nhưng một số người suy đoán nó là Preah Pisnulok (hay Vrah Visnuloka) nghĩa là nơi ở linh thiêng của thần Vishnu bởi khu đền tháp này vốn được xây dựng để thờ thần Vishnu theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo). Các tài liệu lịch sử ghi nhận, Angkor Wat được xây dựng vào đầu thế kỷ 12, ước chừng là khoảng từ năm 1113 đến năm 1150, dưới thời đại của vua Khmer Suryavarman II. Đến cuối thế kỷ 12, Angkor Wat đã chuyển đổi từ một ngôi đền Hindu sang một ngôi đền Phật giáo. Khoảng đầu đến giữa thế kỷ 15, sau những cuộc xâm lược của nước Xiêm (Thái Lan ngày nay), vị vua Angkor cuối cùng Barom Reachea II (Ponhea Yat) đã quyết định di dời thủ đô xuống phía nam (khu vực Pnôm Pênh ngày nay) thì di tích Angkor dần bị quên lãng... Đến giữa thế kỷ 19, nhà tự nhiên học và nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot đã khiến cả thế giới biết đến quần thể kiến trúc này với lời ngợi ca “Nó vĩ đại hơn bất cứ thứ gì Hy Lạp hay La Mã để lại cho chúng ta”.

Angkor Wat được bao quanh bởi một hào nước rộng 200 m, sâu 4 m và có chu vi 5 km, được lót bằng những khối đá sa thạch khổng lồ. Con hào này nối với hào Angkor Thom ở phía bắc và thoát nước ở phía nam, nối liền với nhau đến tận Tonle Sap (Biển Hồ). Con hào không chỉ mang tính biểu tượng (gắn liền với huyền thoại về núi Meru - quê hương của các vị thần trong truyền thuyết Ấn Độ giáo) mà còn được cho là góp phần quan trọng cho sự vững chãi của ngôi đền, giúp nâng đỡ trọng lượng khổng lồ của nó bằng cách ổn định nước ngầm bên dưới. Và, hào nước này cũng là một trong những cách lý giải cho bí ẩn về việc làm sao có thể vận chuyển các tảng đá sa thạch khai thác từ xa về để xây dựng nên quần thể kiến trúc Angkor.

Mỗi năm vào tháng 3 và tháng 9 mặt trời sẽ mọc ngay ngọn tháp cao nhất ở Angkor Wat, thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng cảnh tượng kỳ diệu này. Ảnh: One Nature Tours

Đá sa thạch là vật liệu xây dựng chính của Angkor Wat. Đá màu nâu xám, có nguồn gốc từ Phnom Kulen cách đó khoảng 40 km về phía bắc. Người ta ước tính có khoảng 5 - 10 triệu khối sa thạch được sử dụng để xây nên Angkor Wat.

Một trong những bí ẩn thú vị nữa, Angkor Wat là đền đài duy nhất trong số 108 đền đài trong quần thể kiến trúc Angkor có mặt chính quay về hướng tây (hướng mặt trời lặn). Một số người giải thích rằng đây là hướng thích hợp cho Vishnu, vị thần mặt trời; song nhiều người cho rằng nó quay mặt về phía tây vì nó được thiết kế để làm ngôi đền tang lễ cho vua Suryavarman.

Những con số liên quan đến Angkor Wat cũng rất thú vị, mà theo lời Sen Sarom, thì bằng một cách bí ẩn nào đó những con số đo đạc đều vô cùng chính xác, kỳ diệu. Mặt chính phía tây có 5 cổng vào khu đền chính, cổng giữa lớn nhất dành cho vua, cổng nhỏ hơn dành cho quan tướng, hoàng hậu và cổng thấp nhất là để người dân, ngựa voi đi qua. Từ cổng chính nối với cụm đền tháp bằng một cây cầu đá dài 365 m, ngang 9 m, có 12 cầu thang đi xuống ở hai bên. Các cổng cửa ở đây đều có 7 cây cột, và bất cứ khi nào ánh sáng mặt trời chiếu qua đều phản chiếu tạo thành hình cụm đền chính với 5 ngọn tháp. Bạn hãy để ý, các con số 7, 12, 365 đều tương ứng với số ngày, tháng, năm.

Trung tâm của ngôi đền là tổ hợp 5 tháp, gồm một tháp trung tâm và bốn tháp tại bốn góc hình vuông. Điều thú vị là dù bạn đứng ở góc nào cũng chỉ thấy có 3 ngọn tháp bằng nhau. Trước cụm đền tháp chính là hai cái ao nước, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày và dù mặt trời chiếu vào góc độ nào thì trên mặt hai ao nước này luôn phản chiếu hình bóng của 5 ngọn tháp. Mỗi năm, vào tháng 3 và tháng 9, mặt trời sẽ mọc ngay chính giữa ngọn tháp chính cao 65 m của đền đài, tạo nên cảnh tượng vô cùng tuyệt diệu, khiến cho Campuchia được xếp là một trong những nơi ngắm mặt trời mọc đẹp nhất thế giới.

Những trang trí ở Angkor Wat với các bức phù điêu, chạm khắc vũ nữ Apsara và các bức tranh tường đều vô cùng tinh xảo, sống động. Người ta thống kê rằng có đến 1.800 bức điêu khắc các vũ nữ Apsara ở Angkor Wat, với 39 kiểu tóc khác nhau; cô nào cũng có nụ cười mỉm chi, song lại có hai cô cười “nhe răng” mà đến nay người ta vẫn chưa hiểu được vì sao (?)

Những khuôn mặt ở đền Bayon

Cách Angkor Wat gần 2 km về phía đông bắc là Angkor Thom (theo tiếng Khmer, Angkor Thom nghĩa là “thành phố lớn”). Angkor Thom được xây dựng trong nhiều triều đại của đế quốc Khmer vào hai thế kỷ 10 – 11. Đến thế kỷ 12, sau khi đánh bại người Chăm xâm lược, vua Jayavarman VII đã xây dựng hàng loạt các công trình như: Cung điện Hoàng gia, đền Bayon, các sân thượng Hoàng gia, các cổng vào hoành tráng… Việc xây dựng vẫn được tiếp tục trong các thế kỷ sau đó. Ngôi đền cuối cùng được xây dựng tại Angkor Thom là Mangalartha, được hoàn thành năm 1295. Trong các thế kỷ tiếp theo, Angkor Thom vẫn là thủ đô của vương quốc Khmer trong thời kỳ suy tàn cho đến khi nó bị bỏ hoang vào khoảng thế kỷ 17.

Ngọn tháp cao 65 m ở Angkor Wat được gọi là tầng thiên đàng.

Ngày nay, quần thể kiến trúc Angkor Thom có diện tích khoảng 9 km2, gồm rất nhiều ngôi đền như: Bayon, Baphoun, Phimeanakas… Các địa điểm như sân Voi, sân Vua Cùi hay Cung điện Hoàng gia cùng những cổng vào được điêu khắc tuyệt đẹp với những khuôn mặt lớn.

Trung tâm của quần thể Angkor Thom là đền Bayon. Ngôi đền với dãy tháp có khuôn mặt tươi cười và kiến trúc “baroque” theo bối cảnh Khmer. Được xây dựng dưới thời vua Jayavarman VII, tên nguyên thủy của ngôi đền này là Jayagiri, Chey Kiri hay “Núi chiến thắng”. Những điểm nhấn ấn tượng của ngôi đền này chính là các ngọn tháp với khuôn mặt tươi cười; các hình chạm khắc tuyệt đẹp ở lối vào; tượng Phật Naga ở tòa tháp phía đông bắc, đông nam và cả lối kiến trúc như mê cung của ngôi đền cũng tạo nên sức hấp dẫn mê hoặc…

Hiện nay ở đền Bayon chỉ còn lại 37 tòa tháp với 173 khuôn mặt. Có thể rất nhiều ngọn tháp đã bị mất trong các giai đoạn xây dựng khác nhau, sự thay đổi của triều đại và sự suy tàn của Angkor. Anh hướng dẫn viên Sen Sarom kiên quyết khẳng định rằng từng có tất cả 54 ngọn tháp, mỗi ngọn tháp điêu khắc 4 khuôn mặt đang mỉm cười quay về 4 hướng, tổng cộng là 216 khuôn mặt. Việc những khuôn mặt đó thực sự đại diện cho ai thì vẫn đang tiếp tục được tranh luận. Nhiều người Khmer địa phương tin rằng chúng đại diện cho Bốn Mặt của Prohm (Brahma) được khắc theo hình ảnh của chính Jayavarman VII với tư cách là Thần - Vua của Phật giáo, trong khi những người khác tin rằng chúng đại diện cho Phật Thích ca/Quán thế âm…

(*) Bài viết có tham khảo một số thông tin từ trang helloangkor.com

(Còn nữa)

Bài 4: Màu xanh Angkor

Hồng Hà


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.